Ngứa vào ban đêm có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi và có rất nhiều yếu tố gây ra tình trạng này, việc xác định đúng nguyên nhân sẽ giúp quá trình điều trị thuận lợi.
Thạc sĩ – bác sĩ Thái Thanh Yến (khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết trên thực tế, hầu hết các triệu chứng ngứa da vào ban đêm có thể gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe và giấc ngủ của người bệnh. Nếu tình trạng này kéo dài mà không được điều trị sẽ khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, lâu dần sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống người bệnh.
Do đó, để có thể ngăn chặn tình trạng ngứa da vào ban đêm, việc tìm hiểu kỹ nguyên nhân là yếu tố cần thiết đối với người bệnh.
Nguyên nhân gây ngứa da về đêm?
Ngứa da vào ban đêm có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi và có rất nhiều yếu tố gây ra tình trạng trên nên quá trình xác định nguyên nhân và điều trị càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú thì việc ngứa về đêm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Trẻ bị ngứa vào ban đêm dẫn tới quấy khóc, bỏ bú, ngủ hay giật mình, lơ mơ, chậm tăng cân… Phụ nữ mang thai, sau sinh có thể bị giảm sút thể trạng, gia tăng nguy cơ trầm cảm, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của mẹ và quá trình chăm sóc con nhỏ. Yếu tố gây ra tình trạng ngứa da vào ban đêm có thể kể đến nhiều là sự thay đổi hoạt động tự nhiên của cơ thể.
“Ban đêm khi nhiệt độ giảm xuống thì những hoạt động tự nhiên bên trong cơ thể, lưu lượng máu và nhiệt độ cơ thể có xu hướng gia tăng làm ấm cơ thể, điều đó có thể khiến người bệnh cảm nhận được da bị ngứa ngáy nhẹ. Kèm theo, vào ban đêm cơ thể sẽ giải phóng nhiều cytokine khiến phản ứng viêm gia tăng nhiều hơn mà khi đó quá trình sản xuất hormone corticosteroid thì lại giảm”, bác sĩ Thanh Yến phân tích.
Mặt khác, khi cơ thể bị thiếu nước cũng là một trong những nguyên nhân khiến da bị ngứa vào ban đêm. Nhất là khi thời tiết nắng nóng, hanh khô, cơ thể thiếu nước nên thiếu độ ẩm trên bề mặt da khiến da khô bong tróc, gia tăng lớp sừng nhiều hơn và gây ngứa.
Ngoài ra, có thể do một số bệnh lý ngoài da như viêm da dị ứng, mày đay, vảy nến… Một số bệnh lý ở bên trong cơ thể: các bệnh liên quan đến gan, thận, bệnh lý ung thư, bệnh tiểu đường… Các trạng thái tâm lý như stress, trầm cảm và tâm thần phân liệt. Do ký sinh trùng như ghẻ, chấy rận, giun sán… Do dị ứng với các chất như hóa chất, thuốc, thức ăn hoặc mỹ phẩm…
Điều trị ngứa da vào ban đêm
Bác sĩ Thanh Yến cho biết, khi đã xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra tư vấn cụ thể kèm theo chỉ định trong điều trị cho bệnh nhân sử dụng thuốc với liều lượng thích hợp nhằm tác dụng kháng viêm, giảm ngứa.
Có một số loại thuốc kháng histamin thế hệ cũ, thuốc kháng histamin thế hệ mới, thuốc chống trầm cảm, thuốc bôi có chứa Steroid, thuốc ức chế Calcineurin…
Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc khi điều trị nhằm hạn chế những tác dụng không mong muốn ảnh hưởng sức khỏe mà cần tuân thủ thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm ngăn chặn và hạn chế mạn tính và ảnh hưởng tiêu cực kéo dài đến sức khỏe.
Ngoài việc sử dụng thuốc để điều trị ngứa, chúng ta cũng cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt như ăn uống, ngủ nghỉ sao cho phù hợp nhằm hạn chế nguy cơ gia tăng ngứa. Nên tập thể dục thường xuyên bằng các bài tập nhẹ như thiền, yoga để giải tỏa stress, căng thẳng.
Trước khi đi ngủ, nên thoa kem dưỡng ẩm nhằm phục hồi hàng rào bảo vệ da. Vệ sinh da thường xuyên bằng sữa tắm dịu nhẹ hoặc xà bông có độ pH trung tính nhằm tránh tổn thương hàng rào bảo vệ da. Cân bằng độ ẩm trong phòng ngủ vào ban đêm bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm khi trời lạnh và độ ẩm thấp.
“Hạn chế sử dụng các loại đồ ăn cay nóng, các thực phẩm đồ uống dễ gây kích ứng. Thay vào đó, nên ăn nhiều rau xanh để chăm sóc làn da khỏe mạnh, mịn màng hơn. Khi đi ngủ không nên mặc quần áo quá chật, nên mặc quần áo thoải mái và ưu tiên vải cotton hoặc lụa,… Hạn chế gãi, chà xát vì nếu gãi thì không những không làm giảm cơn ngứa mà còn gây tổn thương da”, bác sĩ Thanh Yến khuyến cáo.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ngua-da-vao-ban-dem-co-nguy-hiem-khong-185241217142425284.htm