Tôi 59 tuổi, hút thuốc, ngủ ít và khó vào giấc nhưng ngáy rất to. Ngủ ngáy nặng có làm tăng nguy cơ đột quỵ không? (Quang Tùng, TP HCM)
Trả lời:
Yếu tố nguy cơ đột quỵ được chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như giới tính, chủng tộc, di truyền. Nhóm thứ hai là các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi, chiếm nhiều hơn, ví dụ tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol trong máu, béo phì, ít vận động, hút thuốc lá.
Ngủ ngáy thường gặp ở nhiều người, tiềm ẩn nguy cơ ngưng thở khi ngủ. Trong khi đó, ngưng thở khi ngủ là yếu tố nguy cơ hoặc dấu hiệu cảnh báo cơ thể có các bất thường dễ dẫn đến đột quỵ. Người từng đột quỵ thường được bác sĩ xem xét thêm chứng ngưng thở khi ngủ.
Người ngủ ngáy nên tầm soát đột quỵ. Bên cạnh khám lâm sàng và các chỉ định chụp chiếu khác, người bệnh có thể được đo đa ký giấc ngủ.
Hệ thống máy đo đa ký giấc ngủ gồm nhiều điện cực khác nhau, gắn vào các bộ phận tương ứng của người bệnh trong quá trình ngủ. Qua đó máy ghi nhận lại các thông số, thay đổi liên quan như điện não đồ, nhãn cầu đồ, điện cơ, điện tim, lưu lượng dòng khí qua mũi và miệng, vận động cơ ngực, bụng, nồng độ oxy trong máu, tiếng ngáy, tư thế cơ thể khi ngủ, cử động chi…
Sau một đêm đo đa ký giấc ngủ, bác sĩ có đủ dữ liệu để đánh giá toàn bộ về chu kỳ giấc ngủ, nhịp tim, huyết áp, các hoạt động khác của người bệnh, xác định chứng ngưng thở khi ngủ, động kinh khi ngủ, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe (nếu có).
Bạn ngủ ngáy và ngủ ít, khó ngủ thì nên đi khám. Nếu xác định hệ hô hấp, tim mạch, thần kinh bất thường, bác sĩ điều trị phù hợp, dự phòng các bệnh liên quan trong đó có đột quỵ cho bạn.
TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức
Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |