Chính phủ giao Bộ Nội vụ xây dựng đề án Tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phù hợp quy hoạch tổng thể quốc gia, từng địa phương.
Nội dung nêu trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 27 Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới do Chính phủ ban hành ngày 12/5.
Chủ trương thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh được Trung ương nêu tại Nghị quyết 27, tháng 11/2022.
Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI. Tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương sẽ được đổi mới theo hướng xây dựng nền hành chính phục vụ người dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại.
Bộ Nội vụ có nhiệm vụ đánh giá kết quả sắp xếp chính quyền địa phương, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo tinh gọn, chất lượng; hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Một số địa phương sẽ giảm cấp chính quyền phù hợp.
Giai đoạn 2019-2021, toàn quốc đã sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, qua đó giảm được 8 huyện và 561 xã. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã đã giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan cấp huyện; tinh giản gần 3.600 biên chế cấp xã và 141 biên chế cấp huyện; giảm chi ngân sách giai đoạn 2019-2021 đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Dự kiến đến năm 2025, toàn quốc có thêm hàng trăm huyện và hơn 1.000 xã không đủ tiêu chuẩn, phải sắp xếp.
Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với ba trụ cột là tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số. Các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cản trở cạnh tranh sẽ bị cắt bỏ.
Chất lượng nguồn nhân lực sẽ được nâng cao bên cạnh cải cách mạnh mẽ chế độ công vụ, công chức. Lối sống thượng tôn Hiến pháp và pháp luật được xây dựng trong hệ thống cơ quan hành chính. Một số nội dung về Hiến pháp và Nhà nước pháp quyền được đưa vào chương trình đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân.
Nghị quyết cũng nêu nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm; quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia – dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.