Là sự kiện ngoại giao đa phương lớn nhất do Việt Nam đăng cai tổ chức trong năm nay, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 14 – 17.9 với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 sáng 15.9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói rằng, vô vàn biến cố khó khăn trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, trong đó có đại dịch Covid-19 và xung đột địa chính trị, đã xóa đi nhiều thành quả giảm nghèo, phát triển của hàng thập kỷ qua và đang gây ra nhiều khó khăn to lớn, đa chiều, cả trước mắt và dài hạn với nhiều nước trên thế giới. Việc thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc cũng đang bị chậm lại, khó hoàn thành các mục tiêu. Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đang trực tiếp ảnh hưởng đến người dân, an ninh và phát triển của mọi quốc gia.
Giữa tháng 7 vừa qua, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lần đầu tiên thừa nhận thế giới có nguy cơ bỏ lỡ các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong cuộc họp công bố “Báo cáo Mục tiêu phát triển bền vững 2023: Ấn phẩm đặc biệt”. Nguy cơ đó hiện hữu, bởi trong số 140 mục tiêu có thể đánh giá, 50% mục tiêu đang độ bị lệch quỹ đạo so với mong muốn và hơn 30% mục tiêu không có tiến triển, thậm chí thụt lùi dưới mức cơ sở năm 2015.
Cũng trong cơn bão Covid-19 càn quét toàn cầu, công nghệ đã chứng tỏ và được nhìn nhận như một “lực lượng” trọng yếu giúp các quốc gia không chỉ chống đỡ trong đại dịch, mà quan trọng hơn là phục hồi và phát triển bền vững trong tương lai. Điều này cũng hàm nghĩa rằng, hoàn toàn có thể thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Trong tiến trình này, giới trẻ nắm giữ vai trò vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh trong phát biểu chào mừng hội nghị, giới trẻ có những lợi thế to lớn trong tận dụng các cơ hội, nhất là các cơ hội do cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư mang lại; là lực lượng nắm giữ chìa khóa để mở ra những cánh cửa mới, những cách nghĩ và cách làm mới để xử lý hiệu quả những thách thức chung của toàn cầu trong hiện tại và tương lai.
Có thể nói, giới trẻ là một phần của giải pháp thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Chẳng hạn, trong đại dịch Covid-19, một nhóm thanh niên Việt Nam đã sáng chế ra “mũ chống dịch” – có thể che hết phần đầu với mặt nạ lọc không khí (PAPR) để cung cấp không khí sạch; hay một cầu thủ trẻ Indonesia tạo ra Alodokter (một ứng dụng y tế từ xa) giúp nhiều người tiếp cận với ý kiến tư vấn của bác sĩ khi sợ đến bệnh viện.
Vậy nhưng giới trẻ không thể thành công nếu đơn phương hành động; họ cần sự trợ giúp từ Nghị viện và Chính phủ. Trong đó, vai trò của Nghị viện, của các nghị sĩ trẻ là phải hoàn thiện khung pháp lý, thể chế quốc gia cho chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; đồng thời tạo lập nghị trình chính sách, thúc đẩy các sáng kiến pháp lý để giới trẻ thực hiện hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Trong báo cáo nhắc tới ở trên, Liên Hợp Quốc lo ngại rằng việc ngừng thúc đẩy nỗ lực toàn cầu để đạt được các SDGs có thể gây ra bất ổn chính trị lớn hơn, ảnh hưởng đến kinh tế và dẫn đến thiệt hại không thể khắc phục đối với môi trường. Trong đó, những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới đang phải chịu tác động tồi tệ nhất của những thách thức toàn cầu chưa từng có này. Đặt trong bối cảnh như vậy, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 được gửi gắm một kỳ vọng lớn – rằng sẽ có những hành động cụ thể để thúc đẩy giới trẻ – với “công cụ” chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo – sẽ tham gia hiệu quả hơn nữa vào việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, để thực sự không có ai trên thế giới này bị bỏ lại phía sau.
daibieunhandan.vn