Hungary quyết không gửi vũ khí cho Ukraine, đảng cực hữu Israel dọa rời chính phủ, Thụy Điển mong Thổ Nhĩ Kỳ sớm làm điều này…là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom (ngoài cùng bên trái) trao đổi với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan (ngoài cùng bên phải) bên lề Hội nghị Ngoại trưởng NATO ở Brussels, Bỉ ngày 28/11/2023. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
* Nga kiểm soát ngôi làng ở ngoại ô Bakhmut: Ngày 29/11, Bộ Quốc phòng nước này tuyên bố binh sĩ xứ bạch dương đã giành quyền kiểm soát Khromove thuộc khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine. Ngôi làng này nằm ở ngoại ô phía Tây của Bakhmut, thành phố Nga đã giành quyền kiểm soát mùa Hè năm ngoái. Trước khi xung đột nổ ra, dân số của làng Khromove là 1.000 người. (Reuters)
* Nga phóng Kalibr tấn công cơ sở hạ tầng quân sự Ukraine: Ngày 29/11, TASS (Nga) đưa tin tàu khu trục Hạm đội Biển Đen đã bắn 4 tên lửa hành trình Kalibr vào cơ sở hạ tầng quân sự Ukraine: “Thủy thủ đoàn trên tàu khu trục của Hạm đội Biển Đen nhận được nhiệm vụ bất ngờ là tiến hành tấn công bằng các tên lửa hành trình Kalibr trong thời gian ngắn nhất nhằm vào cơ sở hạ tầng quân sự của đối phương”. Hiện chưa rõ thời điểm diễn ra cuộc tấn công trên. (Reuters)
* NATO cảnh báo Nga dự trữ kho tên lửa lớn trước mùa Đông: Ngày 29/11, phát biểu với báo giới sau cuộc họp của Hội đồng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)-Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cáo buộc Nga đang thực hiện những nỗ lực mới nhằm tấn công lưới điện và cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine hòng “cố đẩy nước này vào một tình thế tối tăm và lạnh lẽo”.
Ngoài ra, theo ông Stoltenberg, NATO đã đưa ra các khuyến nghị cho Ukraine trên con đường trở thành thành viên chính thức, trong đó có chống tham nhũng: “Các đồng minh nhất trí Ukraine sẽ trở thành thành viên NATO, chúng tôi hiện đã đưa ra các khuyến nghị về những chương trình cải cách ưu tiên của Ukraine, bao gồm cuộc chiến chống tham nhũng, củng cố nhà nước pháp quyền và hỗ trợ nhân quyền cũng như quyền của các dân tộc thiểu số”. (Reuters/Sputnik)
* Ukraine tái khẳng định mục tiêu chiến lược trong xung đột với Nga: Ngày 29/11, trước thềm Hội đồng NATO-Ukraine tại Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố: “Thông điệp tôi mang đến cho các Đồng minh là chúng ta phải tiếp tục. Ukraine không có ý định lùi bước. Mục tiêu chiến lược của chúng tôi vẫn không thay đổi, đó là toàn vẹn lãnh thổ trong phạm vi các đường biên giới được quốc tế công nhận năm 1991. Không có gì có thể ngăn cản chúng tôi”. Theo ông, mục tiêu chiến lược này không chỉ là an ninh của Ukraine mà còn là “an ninh và ổn định của toàn bộ châu Âu-Đại Tây Dương”. (Ukrinform)
* Hungary sẽ không bao giờ chuyển giao vũ khí cho Ukraine: Ngày 28/11, trả lời phỏng vấn hãng CNBC (Mỹ), Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nêu rõ: “Hành động chúng tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ thực hiện là chuyển giao vũ khí. Chúng tôi cho rằng thay vì vũ khí, hòa bình nên được mang tới khu vực này. Càng chuyển giao nhiều vũ khí, xung đột sẽ càng kéo dài; xung đột càng kéo dài, càng nhiều người sẽ thiệt mạng. Có một cộng đồng người Hungary, một cộng đồng quan trọng, sinh sống trên lãnh thổ Ukraine. Người sắc tộc Hungary liên tục bị huy động vào quân đội Ukraine. Nhiều người trong số họ đã chết”.
Ngoại trưởng Hungary khẳng định: “Chúng ta nên tăng cường nỗ lực để tạo dựng hòa bình và tìm kiếm giải pháp ngoại giao”. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì các kênh liên lạc mở, khẳng định đó là lý do Thủ tướng Viktor Orban gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh hồi tháng 10 vừa qua.
Trước đó, ông Szijjarto tuyên bố Ngoại trưởng các nước thành viên NATO đã thừa nhận tại hội nghị ở Brussels (Bỉ) rằng chiến dịch phản công của Ukraine đã thất bại và kết quả của chiến dịch này còn tồi tệ hơn nhiều so với dự đoán. (TASS)
* Mỹ và phương Tây kiên định ủng hộ Ukraine: Ngày 29/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói: “Một số người đang đặt câu hỏi liệu trên thực tế, Mỹ và các đồng minh NATO khác có tiếp tục sát cánh cùng Ukraine khi bước vào mùa Đông thứ 2 hay không, câu trả lời ở đây hôm nay tại (diễn đàn) NATO là rất rõ ràng và không hề lay chuyển. Chúng tôi phải và sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine”. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Gió bão, tuyết rơi dày, lũ lụt hoành hành ở Nga, Ukraine và Moldova |
* Một đảng cực hữu Israel dọa giải tán chính phủ: Ngày 29/11, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel, đồng thời là Chủ tịch đảng cực hữu Otzma Yehudit trong chính phủ liên minh, ông Itamar Ben Gvir cho hay: “Dừng xung đột đồng nghĩa với làm đổ vỡ chính phủ”.
Đảng này hiện nắm 6 ghế trong Quốc hội và 3 ghế bộ trưởng. Tuy nhiên, ngay cả khi đảng này tuyên bố rời bỏ, liên minh cầm quyền vẫn không tan rã do gần đây đã có sự tham gia của đảng Thống nhất Quốc gia của ông Benny Gantz. Sau khi nổ ra xung đột, đảng này đã tham gia chính phủ và ông Gantz tham gia Nội các Thống nhất. Tuần trước, 3 bộ trưởng thuộc đảng Otzma Yehudit phản đối thỏa thuận tạm ngừng bắn, song thỏa thuận vẫn được thông qua. (Times of Israel)
* Hamas có ý định phóng thích quân nhân Israel: Ngày 29/11, Washington Post (Mỹ) dẫn nguồn thạo tin từ Qatar tiết lộ đại diện phong trào Hồi giáo này, hiện tham gia đàm phán tại Doha, đã bày tỏ ý định trả tự do cho một số con tin là binh sĩ và quân nhân dự bị của Israel bị bắt cóc. Trước đó, người đứng đầu Cơ quan tình báo Israel (Mossad) và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã tích cực phối hợp với nhà trung gian Qatar trong đàm phán với phía Hamas. Theo đó, ít nhất sẽ có 5 đợt trao trả con tin tiếp theo nếu các bên đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có bất cứ đồng thuận nào về vấn đề này.
Dự kiến, 5 nhóm con tin có thể được trả tự do bao gồm người đã quá tuổi phục vụ trong quân ngũ, nữ binh sĩ, nam quân nhân lực lượng dự bị, nam binh sĩ đang tại ngũ và thi thể người Israel bị sát hại trước khi đưa về dải Gaza hay tử vong khi bị giam giữ. Theo các nguồn tin, số con tin phù hợp với các điều kiện trên hiện là hơn 100 người, song không rõ số trường hợp như vậy. (Washington Post)
* Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh lệnh ngừng bắn tạm thời ở Gaza: Ngày 29/11, phát biểu trước Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan bày tỏ: “Chúng tôi coi hoạt động trao đổi con tin, lệnh tạm ngừng bắn vì mục đích nhân đạo là bước phát triển tích cực liên quan tới mục tiêu chấm dứt đổ máu”. Ông cam kết Ankara sẽ tăng cường các nỗ lực ngoại giao để hiện thực hóa lệnh ngừng bắn và trao đổi con tin toàn diện trong vài ngày tới. (Reuters/TTXVN)
* Các Ngoại trưởng Nhóm G7 ủng hộ gia hạn lệnh ngừng bắn và trao trả con tin tại dải Gaza: Trong tuyên bố chung ngày 28/11, các Ngoại trưởng của Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) nêu rõ: “Mọi nỗ lực cần phải được thực hiện nhằm bảo đảm hỗ trợ nhân đạo cho người dân… Chúng tôi ủng hộ gia hạn thêm lệnh ngừng bắn hiện nay và các lệnh ngừng bắn trong tương lai do cần phải tạo điều kiện gia tăng hỗ trợ cũng như giải phóng tất cả con tin”. Tuyên bố cũng hoan nghênh việc thả một số con tin bị Hamas bắt giữ hôm 7/10, khi lực lượng này tấn công Israel khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng. (Reuters)
* Trung Quốc kêu gọi Israel-Hamas ngừng bắn toàn diện và lâu dài: Ngày 29/11, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hội đàm với người đồng cấp Brazil Mauro Vieira. Ông Vương cho biết hai nước nên cố gắng đạt được sự đồng thuận mới trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và thúc đẩy lệnh ngừng bắn toàn diện và lâu dài giữa Israel và Hamas, thả tù nhân và quay trở lại giải pháp hai nhà nước như vấn đề cơ bản của cuộc xung đột Palestine-Israel.
Về phần mình, ông Vieira cho biết phía Brazil đồng tình với quan điểm của Trung Quốc. Nhà ngoại giao này nhấn mạnh lệnh ngừng bắn tạm thời nên được gia hạn trước tiên, cuối cùng là đạt được sự chung sống hòa bình giữa Palestine và Israel thông qua giải pháp hai nhà nước. Ngoại trưởng Brazil tuyên bố Brasilia sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh để thúc đẩy HĐBA LHQ thực hiện các hành động mới và đưa ra quan điểm thống nhất và rõ ràng về tình hình. (Tân hoa xã)
* Trọng tâm của Ngoại trưởng Mỹ khi thăm Israel: Ngày 29/11, phát biểu sau hội nghị của NATO ở Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu rõ: “Trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ tập trung làm những gì có thể để kéo dài thời gian tạm dừng xung đột nhằm tiếp tục giải thoát thêm con tin và hỗ trợ nhân đạo nhiều hơn nữa”. Theo ông, đây cũng là mục tiêu mà phía Israel mong muốn.
Ngoại trưởng Mỹ sẽ có chuyến công du thứ 3 tới Trung Đông kể từ khi xung đột Hamas-Israel bùng phát. Ông sẽ hội kiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Tel Aviv và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở Ramallah. (AFP/Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột Israel-Hamas: Hơn 2.000 xe tải đi qua cửa khẩu biên giới Rafah; các nước G7 thúc đẩy gia hạn lệnh ngừng bắn |
Đông Nam Á
* Trung Quốc hy vọng tình hình ở Myanmar sớm ổn định: Ngày 29/11, tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ: “Trung Quốc và Myanmar là hai nước láng giềng hữu nghị. Trung Quốc luôn tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Myanmar. Chúng tôi chân thành hy vọng tình hình ở Myanmar sẽ ổn định và đất nước sẽ phát triển”. Theo nhà ngoại giao này, mọi hành động làm tổn hại đến quan hệ hữu nghị Trung Quốc-Myanmar sẽ đều không được lòng dân hay thành công. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Hạ viện Indonesia phê chuẩn tân Tư lệnh quân đội |
Đông Bắc Á
* Trung Quốc thu xếp cho quan chức Nhật Bản thăm công dân bị bắt giữ: Ngày 29/11 tại họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân xác nhận: “Phía Trung Quốc đã bố trí cho các quan chức của Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc thực hiện chuyến thăm lãnh sự đối với các bên liên quan… Trung Quốc, với tư cách là một quốc gia pháp quyền, đã xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật, cũng như bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của cá nhân liên quan”. Tuy nhiên, ông không nêu rõ danh tính của người này.
Cuối tháng 10, Nhật Bản cho hay Trung Quốc chính thức bắt giữ một doanh nhân Nhật Bản làm việc cho hãng dược phẩm lớn Astellas Pharma bị giam giữ từ tháng 3 do tình nghi làm gián điệp. Trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào đầu tháng 11, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã tìm cách nhanh chóng trả tự do cho công dân này. Ngày 28/11 vừa qua. Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Tarumi Hideo lần đầu tiên có cuộc gặp với doanh nhân nói trên. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Mùa Thu kỳ bí ở ngôi chùa Nhật Bản hơn 600 tuổi |
* Nga cảnh báo Ba Lan về kế hoạch của đưa quân tới biên giới Phần Lan: Ngày 29/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định kế hoạch của Ba Lan về đóng cửa để bảo đàm an ninh biên giới là hoàn toàn không cần thiết. Theo ông, không có bất kỳ mối đe dọa nào tại khu vực biên giới và không tồn tại căng thẳng trên thực tế. Người phát ngôn Điện Kremlin cũng cảnh báo căng thẳng có thể phát sinh khi tập trung thêm các đơn vị ở biên giới hai nước vì Phần Lan phải ý thức rõ là động thái đó sẽ đặt ra mối đe dọa đối với Nga. Theo ông, việc triển khai quân theo kế hoạch nêu trên là vô cớ và không chính đáng.
Đầu tuần này, Cục trưởng An ninh Quốc gia Ba Lan Jacek Ciewiera tuyên bố Warsaw có kế hoạch chấp nhận đề nghị của Helsinki về việc triển khai binh sĩ tới khu vực gần biên giới giữa Phần Lan với Nga. Quốc gia Bắc Âu đã đóng cửa biên giới với Nga sau khi có làn sóng di cư đột ngột mà Helsinki cáo buộc là do Moscow dàn dựng. Tuy nhiên, Nga một mực phủ nhận cáo buộc này. (TTXVN)
* Xung đột ở Trung Đông tăng nguy cơ khủng bố ở Đức: Ngày 29/11, Chủ tịch Cơ quan bảo vệ Hiến pháp liên bang Đức (BfV) Thomas Haldenwang nhận định: “Chúng tôi nhận thấy những phần tử thánh chiến đang kêu gọi thực hiện các vụ tấn công, đồng thời kêu gọi (các tổ chức khủng bố) Al-Qaeda và IS tiếp tục can dự vào cuộc xung đột hiện nay ở Trung Đông”. Ông lưu ý nhà chức trách Đức đã tăng cường bảo đảm an ninh cho các tổ chức Do Thái cũng như những sự kiện lớn của cộng đồng Do Thái ở Đức.
Theo quan chức này, chủ nghĩa bài Do Thái và tâm lý thù địch với Israel đang gắn kết các phần tử cực đoan cánh tả và cánh hữu ở Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như đối tượng ủng hộ các tổ chức cực đoan của người Palestine. Hình ảnh “kẻ thù chung Israel” tạo ra các mối liên hệ giữa một số chủ thể này. (AFP/TTXVN)
* Thụy Điển mong Thổ Nhĩ Kỳ sớm phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO: Ngày 29/11, phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO tại Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom chia sẻ: “Tôi đã có cuộc gặp song phương với đồng nghiệp của tôi, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan. Tại cuộc gặp, ông bày tỏ hy vọng quy trình phê chuẩn sẽ diễn ra trong những tuần tới… Chúng tôi kỳ vọng quy trình này sẽ được hoàn tất và không có bất cứ điều kiện mới nào được đặt ra… không có những yêu cầu mới từ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ”. Trước đó, hôm 28/11, ông Fidan cho biết quy trình phê chuẩn đơn của Thụy Điển đang được Thổ Nhĩ Kỳ triển khai đầy đủ và có thể hoàn tất trước cuối năm 2023.
Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là 2 thành viên còn lại trong NATO chưa phê chuẩn nghị định thư gia nhập khối của Thụy Điển sau 18 tháng Stockholm gửi đơn. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Dòng người di cư từ Nga là ‘vấn đề an ninh quốc gia’ của Phần Lan |
* Lầu Năm Góc không đủ kinh phí để tăng cường lực lượng ở Trung Đông: Ngày 28/11, tờ Politico (Mỹ) nhận định trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas leo thang, Lầu Năm Góc đã ra lệnh điều động thêm một nhóm tác chiến tàu sân bay, hệ thống phòng không, máy bay chiến đấu và hàng trăm lính Mỹ tới khu vực.
Tuy nhiên, việc Quốc hội Mỹ không đồng thuận về vấn đề phê duyệt kinh phí cho năm nay khiến Lầu Năm Góc “không có đủ tiền để chi trả cho hoạt động tăng cường sự hiện diện lực lượng” ở Trung Đông. Hiện nay, Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ còn số tiền hạn chế được phân bổ theo ngân sách cho năm tài khóa trước đó, trong khi ngân sách thường trực cho năm tài khóa hiện tại vẫn chưa được thông qua.
Người phát ngôn quân đội Mỹ Chris Sherwood nhấn mạnh tình hình Trung Đông đòi hỏi phải đưa ra “biện pháp có tính chất đặc biệt”. Do đó, Lầu Năm Góc đã phải điều tiết lại kinh phí từ lĩnh vực chi tiêu khác, cắt giảm kinh phí chuẩn bị, triển khai và huấn luyện. Ông Sherwood khẳng định: “Vì lý do này, một số chương trình của Bộ Quốc phòng Mỹ có thể bị cắt giảm hoặc hủy bỏ”. (Sputnik)