Nỗ lực xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”
Để ngăn chặn bạo lực học đường cần có sự phối hợp từ cái kiềng 3 chân: gia đình, nhà trường và xã hội mà trong đó khi một chân lung lay là đã có vấn đề. Trước hết, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng cho các em, chú trọng đến kỹ năng giao tiếp, ứng xử thuyết phục được học sinh. Nhà trường cần phải nắm được danh sách học sinh cá biệt có nguy cơ gây bạo lực để thường xuyên chia sẻ, giáo dục các em.
Song song đó, nhà trường cụ thể hóa nội dung xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thực hiện những giải pháp, hành động cụ thể, tạo sự gần gũi giữa thầy cô giáo với học sinh, từ đó giúp các em xóa đi những khoảng cách về tư tưởng, tình cảm, hình thành suy nghĩ về cách ứng xử phù hợp.
Nhà trường nên củng cố lại hộp thư tư vấn, tố giác vi phạm và thành lập tổ tư vấn để tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về tâm sinh lý lứa tuổi, sức khỏe sinh sản vị thành niên… Nếu giáo viên nắm được thông tin về khả năng xảy ra xung đột giữa hai hay nhiều học sinh, hãy chia sẻ điều này với giáo viên chủ nhiệm, giám thị hay các đoàn thể để có thể có biện pháp ngăn chặn.
Lê Quang Huy (giáo viên Trường Trừ Văn Thố, Tiền Giang)