Cùng với mức giảm 0,5% trong quý IV/2022, kinh tế Đức đã ghi nhận hai quý tăng trưởng âm liên tiếp và chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật.
Lạm phát đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Đức, với việc người tiêu dùng đang chi tiêu ít hơn cho các mặt hàng như thực phẩm và quần áo. Hình ảnh đường phố ở Stralsund, Đức thời điểm có đông người mua sắm. (Nguồn: Getty) |
Lạm phát đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Đức, với việc người tiêu dùng đang chi tiêu ít hơn cho các mặt hàng như thực phẩm và quần áo. Tệ hơn cả, triển vọng kinh tế trong những tháng tới không sáng sủa hơn nhiều.
Mới đây, Văn phòng thống kê Liên bang Đức (Destatis) đã công bố số liệu cho biết, nền kinh tế Đức suy giảm nhẹ trong quý đầu tiên của năm 2023 so với quý trước đó. Theo Chủ tịch Destatis Ruth Brand, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 0,3% trong quý I/2023. Cùng với mức giảm 0,5% trong quý IV/2022, kinh tế Đức đã ghi nhận hai quý tăng trưởng âm liên tiếp và chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật.
Nhà kinh tế Carsten Brzeski của ING nói: “Sau một vài lần điều chỉnh thống kê theo giá cả và các hiệu ứng theo mùa, nền kinh tế Đức không tránh khỏi suy thoái kỹ thuật. Những yếu tố thuận lợi như thời tiết mùa Đông ấm áp, hoạt động công nghiệp phục hồi sau khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại và nới lỏng chuỗi cung ứng… không đủ để đưa nền kinh tế đầu tàu này thoát khỏi vùng nguy hiểm”.
Tác động từ lạm phát khiến các hộ gia đình chi tiêu ít hơn cho thực phẩm, đồ uống, quần áo, giày dép và đồ nội thất so với quý trước. Lượng ô tô mới bán ra cũng giảm, một phần có thể là do chính phủ ngừng các gói trợ cấp từ cuối năm 2022.
Cùng với nhu cầu hàng hóa yếu, chi tiêu của chính phủ cũng giảm trong 3 tháng đầu năm.Theo Viện nghiên cứu kinh tế Ifo, chỉ số môi trường kinh doanh đã giảm nhiều hơn dự kiến vào tháng 5/2023, đánh dấu lần giảm đầu tiên sau 6 tháng tăng liên tiếp.
Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội các ngân hàng Đức (BdB) công bố, phần lớn người dân Đức tỏ ra hoài nghi về kế hoạch thiết lập đồng euro kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).
Kết quả khảo sát cho thấy có tới 76% số người Đức được hỏi cho rằng các lựa chọn thanh toán bằng đồng euro hiện tại là hoàn toàn đầy đủ nên không cần thiết phải có thêm đồng euro kỹ thuật số. Chỉ có 21% cho rằng đồng tiền kỹ thuật số này sẽ giúp việc thanh toán dễ dàng hơn.
Ông Henriette Peucker, Phó Tổng Giám đốc BdB, cảnh báo ECB cần làm rõ những vấn đề trọng tâm như đồng euro kỹ thuật số sẽ có hình thức như thế nào, nó mang lại những lợi ích gì cho người dân và cả những rủi ro gì? Đồng euro kỹ thuật số chỉ có thể thành công nếu được người dân châu Âu chấp nhận và sử dụng. Chừng nào lợi ích và rủi ro chưa rõ ràng, dự án thiết lập đồng tiền kỹ thuật số của châu Âu sẽ chưa thể hiệu quả, người tiêu dùng sẽ tiếp tục sử dụng các tùy chọn thanh toán mà họ đã quen thuộc và tin tưởng.