Với nhiều năm nghiên cứu, công tác về ASEAN, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN (2018-2021) phân tích tỉ mỉ những nguyên tắc nền tảng của ASEAN, giúp Hiệp hội dù ở trong không gian địa chính trị khu vực và quốc tế đầy biến động nhưng vẫn giữ vững môi trường khu vực hòa bình, ổn định tương đối và không ngừng phát triển.
ASEAN ở tuổi 58 đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong môi trường quốc tế biến động. (Nguồn: Straits Times) |
Ở tuổi 58, theo ông, tài sản lớn nhất của ASEAN là gì? Và “vốn” này giúp ASEAN có thể “xoay sở” ra sao trong bối cảnh quốc tế đầy biến động và khó lường như hiện nay?
Tài sản lớn nhất của ASEAN sau gần 6 thập kỷ hình thành và phát triển chính là sự đoàn kết và khả năng thích ứng. Đây không chỉ là giá trị cốt lõi đã giúp ASEAN duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phát triển trong khu vực mà còn là nền tảng giúp tổ chức liên quốc gia khu vực này khẳng định vị thế trung tâm trong cấu trúc khu vực và vị thế trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh thế giới đầy biến động phức tạp, nhanh và khó lường, từ cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, xung đột địa chính trị đến các thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và chuyển đổi số, ASEAN vẫn giữ vững môi trường khu vực hòa bình và ổn định tương đối, không rơi vào tình trạng đối đầu hay chia rẽ, và không ngừng phát triển.
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN. (Ảnh: Anh Sơn) |
Tính bao trùm và đồng thuận, dù có thể khiến ASEAN vận hành chậm hơn so với mong muốn hoặc so với thiết chế hội nhập khu vực như EU nhưng được ASEAN nhấn mạnh là nguyên tắc căn bản quan trọng để duy trì sự đoàn kết ASEAN, nhờ đó đã ngăn ngừa và kiểm soát được xung đột lợi ích sâu sắc giữa các thành viên, đóng góp cho sự phát triển không ngừng của thiết chế ASEAN và các quốc gia thành viên.
Bên cạnh đó, ASEAN sở hữu “vốn” quan trọng là tính linh hoạt và khả năng xoay sở. Việc đề cao tư duy và chính sách, biện pháp linh hoạt, mềm dẻo nhưng kiên định, nhất quán trong ứng phó với các thách thức nhằm đạt mục tiêu chiến lược là tăng cường hợp tác vì hòa bình và phát triển của các quốc gia ở khu vực – đã giúp ASEAN vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn trong lịch sử, từ khủng hoảng tài chính châu Á 1997, các căng thẳng trên Biển Đông, đại dịch COVID-19, đến những thách thức từ các chuyển dịch địa chính trị.
ASEAN không chọn đứng về phía nào trong cuộc cạnh tranh nước lớn, mà thay vào đó, kiên trì với vai trò trung tâm cấu trúc khu vực, thúc đẩy đối thoại và hợp tác thực chất vì hòa bình, ổn định và phát triển.
Ngoài ra, một thế mạnh khác của ASEAN là sự liên kết kinh tế nội khối và thúc đẩy quan hệ đối tác, mở cửa thương mại và đầu tư với bên ngoài thông qua hàng loạt các hiệp định, thỏa thuận hợp tác nội khối và giữa cả khối ASEAN với đối tác bên ngoài.
ASEAN đã trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với quy mô GDP trên 3.600 tỷ USD, thương mại và đầu tư nội khối ngày càng gia tăng, trong khi các hiệp định giữa ASEAN với đối tác ngoài khối như RCEP mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn cho các nước thành viên ASEAN và đối tác của ASEAN. Việc các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và EU coi trọng ASEAN là đối tác chiến lược cũng minh chứng cho giá trị của ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.
Tuy nhiên, để phát huy tối đa những lợi thế này, ASEAN cần tiếp tục nâng cao năng lực tự cường, giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bên ngoài, thúc đẩy chuyển đổi số và tăng cường hợp tác chuyển giao và phát triển, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, cần tiếp tục củng cố lòng tin chiến lược giữa các nước thành viên, đảm bảo các cơ chế như Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) được thực thi hiệu quả.
Nói cách khác, tài sản lớn nhất của ASEAN chính là sự đoàn kết, còn vốn quý nhất là khả năng thích ứng linh hoạt. Tận dụng tốt những giá trị này giúp ASEAN và từng quốc gia thành viên có thể vượt qua những cơn sóng gió của tình hình khu vực, quốc tế và tiếp tục vươn lên như một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển năng động.
Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) tại Lào tháng 10/2024. (Nguồn: ASEAN Lao PDR 2024) |
Đã có không ít những so sánh, ví von giữa ASEAN và EU nhưng đều đưa ra chung một kết luận rằng ASEAN khác EU và khó đi theo mô hình như của EU. Nhưng chí ít, khi nhìn bức tranh chung của EU hiện nay, chắc chắn sẽ có không ít bài học phù hợp với ASEAN, thưa ông?
Thực tế ASEAN và EU có nhiều khác biệt về cấu trúc, mục tiêu và bối cảnh hình thành. EU là một liên minh siêu quốc gia với cơ chế ra quyết định ràng buộc và chính sách chung trên nhiều lĩnh vực đối với các nước thành viên, trong khi ASEAN là một tổ chức liên quốc gia với cơ chế hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp vào công việc nội bộ. Dù ASEAN không thể sao chép mô hình EU, nhưng vẫn có thể rút ra một số bài học quan trọng từ EU để củng cố đoàn kết và tăng cường vai trò của mình trong khu vực và trên thế giới.
Thứ nhất, EU cho thấy tầm quan trọng của thể chế vững chắc và khung pháp lý chặt chẽ. ASEAN đã có Hiến chương ASEAN từ năm 2008 cùng với mạng lưới hàng loạt các hiệp định, thỏa thuận khu vực, nhưng cơ chế thực thi cam kết chưa đủ mạnh. ASEAN cần cải thiện tính ràng buộc, việc thực thi cam kết và hiệu quả của các hiệp định, thỏa thuận khu vực, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và an ninh.
Thứ hai, ASEAN có thể tham khảo kinh nghiệm EU về hội nhập kinh tế. EU có một thị trường chung với chính sách thương mại thống nhất, trong khi ASEAN vẫn đang hoàn thiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Từ kinh nghiệm của EU, ASEAN có thể đẩy mạnh việc gỡ bỏ rào cản phi thuế quan, hài hòa hóa quy định giữa các nước thành viên, qua đó tăng cường kết nối hạ tầng để thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối.
Thứ ba, ASEAN có thể học kinh nghiệm EU về cơ chế xử lý khủng hoảng. EU từng trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, từ tài chính, nợ công đến di cư, nhưng đã xây dựng được các cơ chế hợp tác sâu rộng để đối phó. ASEAN, khi đối mặt với các thách thức như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, biến đổi khí hậu hay bất ổn nội bộ, cần có các cơ chế phối hợp hiệu quả hơn để bảo vệ lợi ích chung.
Thứ tư, EU đã thành công trong việc xây dựng bản sắc chung thông qua các chương trình giáo dục, trao đổi văn hóa và các sáng kiến nhằm nâng cao sự tham gia của người dân vào tiến trình hội nhập khu vực. ASEAN cần thực hiện thêm các chương trình giáo dục, trao đổi văn hóa và các sáng kiến nâng cao nhận thức và hoạt động của người dân các nước ASEAN thúc đẩy "Cộng đồng ASEAN" gắn kết hơn, củng cố sự đoàn kết và chung tay vì sự phát triển của cả khu vực ASEAN.
Ngoài việc tham khảo kinh nghiệm, thực tiễn tốt của EU, ASEAN cũng cần lưu ý tránh ba bế tắc lớn của EU.
Thứ nhất, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine cho thấy EU dù hội nhập sâu về kinh tế, xã hội vẫn chưa có chính sách đối ngoại và an ninh thực sự thống nhất, dễ bị chia rẽ, lôi cuốn vào chiến tranh, điểm nóng xung đột ngay cả ở châu Âu. ASEAN cần duy trì chính sách trung lập, linh hoạt trong đối ngoại, với mục tiêu tối cao của ASEAN là hợp tác duy trì hòa bình và tăng cường phát triển ở khu vực vì lợi ích của nhân dân, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế nhất là Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC năm 1976) và Hiến chương ASEAN.
Thứ hai, EU đang gặp khó khăn lớn hơn trong việc dung hòa lợi ích giữa các nước thành viên giàu - nghèo. ASEAN cần thúc đẩy hợp tác, đảm bảo sự phát triển đồng đều hơn giữa các thành viên để tránh sự phân hóa nội bộ có thể làm suy yếu khối.
Thứ ba, Brexit cho thấy EU không thể hoàn toàn cân bằng lợi ích giữa hội nhập khu vực và chủ quyền quốc gia. ASEAN cần duy trì cơ chế đồng thuận, nhưng cũng phải đảm bảo rằng hội nhập không gây ra sự bất mãn hoặc áp lực quá lớn lên các nước thành viên.
Nhìn chung, ASEAN có thể học hỏi nhiều từ EU nhưng cũng cần tránh những điểm yếu mà EU chưa thể giải quyết. Bằng cách phát huy thế mạnh riêng, ASEAN có thể tiếp tục xây dựng mô hình hợp tác khu vực hiệu quả hơn, phù hợp với đặc thù của khu vực mình.
Hội nghị Bộ trưởng EU-ASEAN tại Brussels, Bỉ tháng 2/2024. (Nguồn: asean.org) |
Theo ông, đâu sẽ là các xu hướng chính trị quốc tế lớn sẽ trực tiếp tác động tới ASEAN và ASEAN cần phải ứng phó ra sao để duy trì vai trò trung tâm và “sứ mệnh” kiến tạo hòa bình của mình?
Trong giai đoạn tới, ASEAN sẽ phải đối mặt với ba xu hướng chính trị quốc tế lớn, tác động trực tiếp đến cấu trúc an ninh và hợp tác khu vực.
Một là, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gia tăng. Quan hệ giữa các cường quốc, đặc biệt là Mỹ-Trung, tiếp tục diễn biến phức tạp với các xung đột lợi ích về kinh tế, công nghệ, và an ninh khu vực. Điều này tạo ra áp lực đối với các nước ASEAN trong việc duy trì chính sách cân bằng chiến lược, tránh bị lôi kéo vào các cuộc đối đầu. Để ứng phó, ASEAN cần củng cố vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, tiếp tục thúc đẩy đối thoại đa phương, khẳng định lập trường độc lập, chủ động trong các vấn đề khu vực. Đồng thời, ASEAN cần tận dụng các cơ chế như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), và các sáng kiến hợp tác mới nhằm duy trì ổn định và giảm nguy cơ xung đột.
Hai là, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc kinh tế có thể ảnh hưởng đến thương mại tự do và chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó ASEAN đóng vai trò quan trọng. Căng thẳng thương mại, các biện pháp kiểm soát công nghệ và dịch chuyển chuỗi cung ứng có thể tác động đến mô hình tăng trưởng của các nước thành viên.
Để đối phó, ASEAN cần đẩy mạnh triển khai các hiệp định thương mại tự do như RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực), thúc đẩy hội nhập kinh tế nội khối, và nâng cao năng lực cạnh tranh để thích ứng với biến động toàn cầu.
Ba là, các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, và rủi ro từ công nghệ trí tuệ nhân tạo. Các vấn đề như tội phạm mạng, tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng quan trọng thiết yếu, hay tác động của AI đối với thị trường lao động và an ninh dữ liệu đòi hỏi các nước ASEAN phải có cách tiếp cận chủ động hơn. ASEAN cần xây dựng cơ chế hợp tác an ninh mạng khu vực, tăng cường năng lực điều phối chính sách về công nghệ số, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi xanh để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Để duy trì vai trò trung tâm và “sứ mệnh” kiến tạo hòa bình, ASEAN không chỉ cần thích ứng với các xu hướng trên mà còn phải tiếp tục nâng cao tính gắn kết nội khối, khẳng định lập trường chung trong các vấn đề quan trọng, và chủ động đề xuất các sáng kiến hợp tác khu vực và quốc tế để củng cố vị thế trong một thế giới đầy biến động.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Nguồn
Bình luận (0)