(Dân trí) – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vào mục tiêu xây dựng nền giáo dục thanh lịch cho Hà Nội tại lễ kỷ niệm 70 năm ngành giáo dục và đào tạo thủ đô sáng 12/11.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm ngành giáo dục và đào tạo thủ đô (1954-2024), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm về việc phát triển nền giáo dục Hà Nội là hướng đến một nền giáo dục thanh lịch.
Nền giáo dục thanh lịch là nền giáo dục mà sự tôn nghiêm của nhà giáo được xem trọng, không có bạo lực học đường, không ép buộc học thêm, giảm khoảng cách giữa giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà để học sinh ở khu vực nào, trường nào, lớp nào cũng được hưởng chất lượng giáo dục tốt nhất.
“Một nền giáo dục thanh lịch, hướng tới chuẩn quốc tế mới tạo dựng được con người thủ đô văn minh, thanh lịch, hội nhập”, bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Kim Sơn cũng tin tưởng Hà Nội hoàn toàn có thể xây dựng thành công nền giáo dục thanh lịch trên nền tảng đang có.
Lễ kỷ niệm 70 năm ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội diễn ra sáng 12/11 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.
Hành trình 7 thập kỷ “nâng cao dân trí – chấn hưng dân khí – bồi dưỡng nhân tài” của ngành giáo dục thủ đô được tái hiện xúc động trong buổi lễ.
70 năm trước, tháng 10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội đón đoàn quân chiến thắng trở về. Đó cũng là thời điểm ngành giáo dục và đào tạo thủ đô được “khai sinh”.
Theo báo cáo của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương, cả Hà Nội lúc đó có khoảng gần 90% người dân chưa biết chữ nhưng chỉ có 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông, đáp ứng được 20% số trẻ đến trường. 80% còn lại chủ yếu là con em của nhân dân lao động bị thất học.
Trong điều kiện thiếu giáo viên, thiếu trường học, thiếu bàn ghế, giấy bút, đèn dầu, thầy và trò học trong những ngôi nhà tranh dột nát, không phên vách, mùa đông gió mưa buốt da thịt, cả Hà Nội gian khó vẫn sôi nổi và tràn đầy khát vọng tri thức.
Những năm chiến tranh chống Mỹ, các trường học của Hà Nội phải sơ tán về ngoại thành. Nhiều nhà giáo Hà Nội phải tạm biệt phấn trắng, bảng đen lên đường chiến đấu. Theo thống kê, số nhà giáo Hà Nội đi chiến trường B là 1.483 người. Hơn 200 người trong số đó mãi mãi không trở về.
Hòa bình lập lại, Hà Nội đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm hướng tới xây dựng một nền giáo dục phát triển, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành phổ cập tiểu học vào năm 1990 và hoàn thành phổ cập trung học cơ sở vào năm 1999.
Năm 2008, địa giới hành chính của Hà Nội được mở rộng dẫn đến quy mô giáo dục của Hà Nội trở nên lớn nhất cả nước với gần 2.600 cơ sở giáo dục từ mầm non tới hết phổ thông và gần 1,8 triệu học sinh.
Sau 16 năm sáp nhập, giáo dục Hà Nội giữ vị thế dẫn đầu cả nước về giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng nhân tài. Học sinh Hà Nội giành 2.200 giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 200 huy chương tại các kỳ thi quốc tế lớn ở các môn toán và khoa học tự nhiên.
Tại sự kiện kỷ niệm 70 năm thành lập, người đứng đầu ngành giáo dục thủ đô nói lời tri ân các thế hệ nhà giáo, các phụ huynh học sinh và các tầng lớp nhân dân trên hành trình tri thức, nâng bước cho các thế hệ học sinh.
Ông Trần Thế Cương dẫn ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm để nói về mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo thủ đô trong kỷ nguyên mới: “Lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực của sự phát triển; quan tâm đến vấn đề thời gian, trí tuệ, khát vọng, tiềm lực, hội nhập để đưa nền giáo dục đào tạo ngang tầm, theo kịp các nước phát triển với tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”.
Cũng tại lễ kỷ niệm, ngành giáo dục Hà Nội được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. 56 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/nen-giao-duc-thu-do-phai-huong-den-nen-giao-duc-thanh-lich-20241112120109392.htm