(Dân trí) – Điều chỉnh mức lương cơ sở, thay đổi cách thi tốt nghiệp, bỏ thi thăng hạng giáo viên là những chính sách có tác động lớn đến ngành giáo dục trong năm 2024.
Điều chỉnh mức lương cơ sở
Ngày 30/6, Chính phủ ban hành Nghị định 73 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/7, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng.
Nhờ quy định này, lương giáo viên từ ngày 1/7 đạt mức 4,9-15,87 triệu đồng/tháng, cao hơn mức cũ 1,13-3,67 triệu đồng, chưa gồm phụ cấp.
Giáo viên mầm non hạng III là nhóm nhận lương thấp nhất, từ 4,9 đến hơn 11,4 triệu đồng/tháng.
Giáo viên tiểu học, THCS và THPT hạng I nhận mức lương cao nhất. Người có hệ số lương 6.78 hưởng gần 16 triệu đồng/tháng.
Bỏ thi thăng hạng giáo viên
Từ 15/12, giáo viên sẽ không còn phải thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Thay vào đó, giáo viên sẽ được đăng ký xét thăng hạng nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, số năm công tác.
Đây là quy định mới trong Thông tư 13 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành ngày 30/10.
Trước đó, việc giáo viên phải thi thăng hạng được cho là mang tính hình thức và không phản ánh được thực chất của việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Bên cạnh đó, do mỗi kỳ thi thăng hạng hạn chế số người tham gia, nhiều giáo viên đã đủ tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng vẫn phải “xếp hàng dài”, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng, đặc biệt là lương, thu nhập.
Xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các trường phổ thông
Ngày 18/9, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 11 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập.
Trước khi có quy định này, các trường học có vị trí việc làm tư vấn tâm lý học đường nhưng lại không có biên chế, dẫn tới phải cử giáo viên kiêm nhiệm. Giáo viên kiêm nhiệm không có chuyên môn tâm lý khiến hiệu quả tư vấn học sinh không được như mong muốn.
Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2023, tỷ lệ trẻ em Việt Nam mắc bệnh trầm cảm là 2%, con số này ở lứa tuổi vị thành niên là 5-8%. Trong bối cảnh đó, quy định mới giúp cho các nhà trường tuyển dụng nhân viên tư vấn học sinh có chuyên môn và chuyên trách, góp phần quan trọng vào hỗ trợ học sinh trong vấn đề sức khỏe tâm thần.
Siết quản lý liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài
Ngày 5/10, Chính phủ ban hành Nghị định 124 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 86 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Theo đó, việc liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài được siết chặt lại theo hướng siết đối tượng.
Cụ thể, phía Việt Nam, cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục phải do nhà đầu tư trong nước đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động, được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
Phía nước ngoài, cơ sở giáo dục được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, có thời gian hoạt động ít nhất 5 năm ở nước ngoài và thời gian hoạt động cung cấp chương trình giáo dục mầm non hoặc phổ thông ít nhất 5 năm.
Bên cạnh đó, đơn vị này phải giảng dạy trực tiếp, có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục còn hiệu lực hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục.
Thay đổi cách thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Ngày 24/12, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư về quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thay đổi toàn diện kỳ thi này theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cụ thể, kỳ thi thay đổi số môn thi từ 9 môn xuống 4 môn và ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc. Đây là năm đầu tiên môn tin học, công nghệ trở thành môn thi tốt nghiệp.
Thí sinh sẽ thi 2 môn toán, văn và 2 môn tự chọn trong số các môn tính điểm của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Định dạng đề thi thay đổi theo hướng không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phần câu hỏi trắc nghiệm có thêm các hình thức mới là dạng đúng/sai và dạng trả lời ngắn.
Ngoài ra, đề thi môn ngữ văn sẽ không được sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa.
Việc tính điểm xét tốt nghiệp sẽ chỉ dùng 50% kết quả thi. 50% còn lại là kết quả học bạ của cả 3 năm lớp 10, 11, 12.
Đặc biệt, thí sinh dùng chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi tốt nghiệp không được quy đổi sang điểm 10 để xét tốt nghiệp.
Bộ GD&ĐT cũng bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh; bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh giáo dục thường xuyên, đồng thời cho phép người nước ngoài dùng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi ngữ văn.
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học
Ngày 5/2, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 01 về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học với 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí.
Các tiêu chuẩn này quy định về tổ chức và quản trị, giảng viên, cơ sở vật chất, tài chính, tuyển sinh và đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Các cơ sở giáo dục đại học phải cung cấp, cập nhật đầy đủ, chính xác số liệu và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học vào hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học. Thời điểm chốt số liệu hàng năm là ngày 31/12. Riêng số liệu về tài chính chốt ngày 31/3 của năm tiếp theo.
Quy định mới về xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú
Ngày 2/4, Chính phủ ban hành Nghị định 35 Quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”.
Quy định xây dựng tiêu chuẩn “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” theo 7 nhóm đối tượng gồm: nhà giáo, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục mầm non; nhà giáo, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường giáo dưỡng, trường năng khiếu, trường dự bị đại học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp;
Nhà giáo, cán bộ quản lý tại các trường cao đẳng, trung tâm chính trị cấp huyện, trường chính trị tỉnh, cơ sở bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ban, ngành; nhà giáo, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục đại học, cán bộ nghiên cứu giáo dục;
Cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục cấp phòng, cấp sở; cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục cấp tổng cục, bộ, ban, ngành; nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục đang công tác từ 5 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Phê duyệt Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050
Ngày 12/12, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, xác định Hà Nội là trung tâm hàng đầu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn và liên thông quốc tế.
Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo toàn diện gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thủ đô và cả nước, đáp ứng những tiến bộ khoa học công nghệ; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa giáo dục và đào tạo.
Quy hoạch cũng chủ trương ưu tiên sử dụng quỹ đất sau khi di dời nhà máy, trụ sở, trường đại học theo quy định để xây dựng các trường phổ thông. Ưu tiên dành quỹ đất để phát triển dịch vụ giáo dục cho các cấp học tại khu vực ngoại thành.
Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh xã hội hóa và khuyến khích phát triển trường ngoài công lập ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Đồng thời mở rộng tự chủ cho các trường công lập nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển giáo dục – đào tạo nói chung và phát triển dịch vụ giáo dục – đào tạo chất lượng cao nói riêng.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/nhung-chinh-sach-tac-dong-lon-toi-giao-duc-ban-hanh-nam-2024-20241230141916802.htm