Mỹ và nhiều nước châu Âu đang hứng chịu thời tiết nắng nóng cực đoan, một số nơi phát cảnh báo đỏ về nhiệt độ cao.
Đợt nắng nóng cực đoan bắt đầu tấn công nhiều quốc gia Nam Âu từ ngày 13/7. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), đơn vị sở hữu nhiều vệ tinh theo dõi nhiệt độ biển và đất liền, cho biết Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Ba Lan đều bị ảnh hưởng trong đợt sóng nhiệt này.
Hiệp hội Khí tượng Italy đặt tên cho đợt nắng nóng này là Cerberus, theo tên chó ba đầu canh gác địa ngục trong thần thoại Hy Lạp.
Quốc gia này đã phát cảnh báo đỏ về nhiệt độ ở 10 thành phố, trong đó có Rome, Florence và Bologna. Nhiệt độ ở châu Âu tuần sau có thể phá kỷ lục hiện tại là 48,8°C, được ghi nhận tại Sicily hồi tháng 8/2021.
Tây Ban Nha, Cyprus và Hy Lạp cũng đồng loạt phát cảnh báo về nắng nóng. Giới chức Hy Lạp dự kiến ghi nhận mức nhiệt 44°C vào cuối tuần và đã quyết định ngừng mọi hoạt động ngoài trời từ 12-17h ở những khu vực có mức nhiệt nguy hiểm tới sức khỏe, đồng thời bố trí xe cứu thương tại các điểm du lịch lớn.
Sóng nhiệt tại châu Âu xảy ra khi dải khí áp cao xuất phát từ Bắc Phi đổ bộ vào Địa Trung Hải, kết hợp cùng biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên hơn.
Trong khi đó, đợt nắng nóng ở tây nam nước Mỹ tiếp tục tăng cường, lan đến bang Washington. Giới chức Mỹ đang phát cảnh báo nhiệt độ nguy hiểm ảnh hưởng đến ít nhất 93 triệu người.
Bang Texas đã lập kỷ lục mới về tiêu thụ điện khi người dân tăng sử dụng điều hòa đối phó nắng nóng. Khoảng 27 triệu người sẽ phải hứng chịu đợt sóng nhiệt với nhiệt độ cảm nhận lên tới 43°C trong những ngày tới, Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ (NWS) cho biết.
Hôm nay sẽ là ngày đặc biệt nóng ở Mỹ, nhiệt độ cao nhất dự kiến lên tới 46°C. Nắng nóng tại một số khu vực sẽ kéo dài đến tuần sau. Nhiều nơi cũng có thể chạm mức nhiệt cao nhất mọi thời đại.
Đợt nắng nóng là kết quả của một rãnh áp cao khiến nhiệt độ tăng lên, NWS giải thích, cho hay đây là “một trong những hoạt động mạnh nhất” của rãnh áp cao tại khu vực này. “Đợt nắng nóng lịch sử không có dấu hiệu chấm dứt sớm”, cơ quan này cảnh báo.
Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của EU cho biết thế giới vừa trải qua tháng 6 nóng nhất lịch sử, khi nhiệt độ trung bình cao hơn 0,5 độ C so với giai đoạn 1991-2020, vượt qua kỷ lục được thiết lập vào tháng 6/2019.
Kết quả của Copernicus dựa trên phân tích máy tính sử dụng hàng tỷ dữ liệu từ vệ tinh, tàu, máy bay và trạm khí tượng toàn cầu. Theo Copernicus, 9 tháng 6 nóng nhất ghi nhận trong 9 năm qua là bằng chứng cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đang đẩy nền nhiệt lên mức cao chưa từng thấy.
Ngày 10/7, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thông báo tuần đầu tiên của tháng 7 là tuần nóng nhất lịch sử.
“Thời tiết ấm nóng bất thường trong tháng 6 và đầu tháng 7 xảy ra trong bối cảnh El Nino mới bắt đầu phát triển, dự kiến còn khiến nhiệt độ gia tăng cực đoan hơn nữa”, giáo sư Christopher Hewitt, giám đốc các dịch vụ khí hậu tại WMO, nói.
“Điều này thật đáng báo động. Thật khó để tưởng tượng mùa hè sẽ như thế nào trong 20 năm tới. Đây chính xác là hiện tượng nóng lên toàn cầu”, Jennifer Marlon, nhà khoa học về khí hậu tại Trường Môi trường Yale, nêu lo ngại.
Đức Trung (Theo DW, BBC)