(Dân trí) – Lăng Tự Đức (Khiêm lăng) được xem là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc cung đình thời Nguyễn.
Tổng thể lăng vua Tự Đức nhìn từ trên cao. Công trình di tích độc đáo này hiện nằm ở đường dọc đường Đoàn Nhữ Hài (phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Lăng Tự Đức được khởi công xây dựng từ năm 1864, khi vị vua thứ 4 của triều đại Nhà Nguyễn còn sống cho đến năm 1873 cơ bản hoàn thành.
Khu lăng này rộng khoảng 12ha, gồm gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ. Tất cả tên các công trình này đều bắt đầu bằng chữ “Khiêm”. Rất tiếc, theo thời gian, nhiều công trình đã bị hư hỏng, chỉ còn lại nền móng.
Khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức lấy tên Vạn Niên Cơ đặt cho công trình. Nhưng sau khởi nghĩa Chày Vôi do anh em Đoàn Hữu Trưng khởi xướng, vua cho đổi tên thành Khiêm Cung, sau khi vua mất gọi là Khiêm lăng.
Bố cục khu lăng gồm 2 phần chính: Tẩm điện và lăng mộ, bố trí trên 2 trục dọc song song với nhau, cùng lấy núi Giáng Khiêm ở phía trước làm tiền án, núi Dương Xuân làm hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm yếu tố minh đường.
Ngoài mục đích nơi chôn cất khi qua đời, đây còn là nơi vua đến nghỉ ngơi, đọc sách, ngâm thơ… nên cảnh quan của lăng tựa như một công viên rộng lớn. Ở đây có thông reo, suối chảy, có hồ, có đình, có tạ, có những tòa điện thâm nghiêm…, tất cả đều hòa quyện vào nhau, tạo thành một khúc nhạc trầm bổng trong kiến trúc xây dựng.
Khu lăng mộ vua Tự Đức nằm ở phía bên phải tẩm điện, gồm có sân chầu (Bái đình), nhà bia (Bi đình), trụ biểu, bửu thành và huyền cung.
Tất cả cùng nằm dưới tán rừng cổ thụ xanh mát, phía trước có hồ nước uốn lượn, tạo khung cảnh nên thơ trữ tình, xứng đáng là nơi yên giấc ngàn thu của vị vua thi sĩ, người có học vấn uyên thâm và lãng tử bậc nhất trong hàng vua chúa nhà Nguyễn.
Ở vị trí trung tâm của Bi đình là tấm bia bằng đá Thanh, lớn nhất Việt Nam, đặt trên một bệ đá cũng rất lớn có chạm trổ sắc sảo các chi tiết hổ phù, thao thiết, hoa cúc, bát bửu…
Nhà bia là công trình kiên cố nhất trong lăng, được xây dựng chủ yếu bằng gạch và đá.
Trên tấm bia lớn nhất Việt Nam có khắc bài Khiêm Cung Ký, bản tiểu sử và tự bạch của vua Tự Đức, do chính nhà vua ngự chế. Năm 2015, bia Khiêm Cung Ký được công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam.
Bên trong Hòa Khiêm Đường (điện thờ vua và hoàng hậu), nội thất của tòa nhà được sơn đen, trong khi các đồ thờ tự đều được sơn son thếp vàng.
Tại đây còn lưu giữ nhiều kỷ vật của vua Tự Đức và các bà hậu, phi, đặc biệt là các bức tranh gương minh họa những bài thơ do vua Thiệu Trị ngự chế, khung tranh được thếp vàng và chạm trổ rất tinh xảo.
Đây là số ít các bức tranh quý của nhà Nguyễn hiện còn được bảo lưu, do họa sĩ Trung Hoa thực hiện theo đơn đặt hàng của triều đình Huế.
Nằm trong lăng Tự Đức còn có Khiêm Thọ lăng bên cạnh khu lăng mộ vua.
Đây là nơi yên nghỉ của Lệ Thiên Anh Hoàng hậu (tên thật Võ Thị Duyên, 1828-1902), vợ chính của vua Tự Đức. Bà được thờ chung với nhà vua tại điện Hòa Khiêm Đường.
Ngoài ra, trong tổng thể lăng Tự Đức còn có thêm Bồi lăng, nơi chôn cất và thờ tự vua Kiến Phúc, con nuôi vua Tự Đức.
Điều đó đã tạo nên một sự độc đáo so với những lăng tẩm vua, chúa nhà Nguyễn còn lại, trong lăng vua này lại có thêm một lăng vua khác.
Nhờ giữ được những vẻ đẹp trường tồn với thời gian, lăng Tự Đức luôn được nhiều du khách lựa chọn là điểm tham quan, chụp ảnh mỗi dịp đến Huế.
Để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị công trình di tích có tính thẩm mỹ cao này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức, với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, dự án sẽ tu bổ và phục hồi các công trình: Điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành – cổng Vụ Khiêm – bình phong trước Vụ Khiêm và tôn tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật của lăng.
Dự án đã bắt đầu được triển khai, một số công trình đã hạ giải để thực hiện tu bổ, phục hồi. Dự kiến đến tháng 10/2027, công tác trùng tu sẽ hoàn thành.
Vua Tự Đức (Dực tông Anh hoàng đế, tên húy Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) lên ngôi khi 19 tuổi, trị vì được 36 năm (1847-1883), là vị vua thứ 4 và ở ngôi lâu nhất trong số 13 vua nhà Nguyễn. Ông mất vào ngày 16/6 năm Quý Mùi tức ngày 19/7/1883, hưởng thọ 54 tuổi.
Theo sử sách, vua Tự Đức có dáng người nho nhã, điềm tĩnh, đọc nhiều sách, là một vị vua hay chữ và uyên bác nhất triều Nguyễn.
Về văn chương, nhà vua có những đóng góp khá quan trọng cho văn chương Việt Nam. Ông đã sáng tác một khối lượng tác phẩm đồ sộ: 600 bài văn, 4.000 bài thơ chữ Hán và khoảng 100 bài thơ chữ Nôm.
Ông còn tự tay sửa chữa, biên tập một số tích tuồng dân gian. Nhà vua cho mở Tập Hiền Viện và Khai Kinh Diên để bàn luận về thơ phú, lịch sử và chính trị với các nhà văn, nhà thơ. Ông chỉ đạo Quốc sử quán biên soạn bộ Khâm định Việt sử Thông giám cương mục… và viết nhiều “ngự phê” cho bộ sử lớn này.
Các tác phẩm của ông gồm: Ngự chế thi tập, Ngự chế văn tập, Cơ dự tự tỉnh thi tập, Việt sử tổng vịnh, Luận ngữ diễn ca, Thập điều diễn ca, Tự học giải nghĩa ca… Đặc biệt là bài Khiêm Cung Ký trên tấm bia đá Thanh đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/du-lich/noi-yen-nghi-cua-vua-tu-duc-vi-vua-noi-tieng-uyen-bac-cua-trieu-nguyen-20240807011500517.htm