nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Báo Phụ nữ Việt NamBáo Phụ nữ Việt Nam07/02/2025


Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 247/QĐ-TTg ngày 6/2/2025 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kế hoạch đưa ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể:

1- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo chuyển biến nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045:

Các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp chặt chẽ với tổ chức đảng và cấp ủy đảng cùng cấp tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; đổi mới về phương pháp, hình thức, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động về đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước; xây dựng, hình thành và phát triển hệ sinh thái truyền thông về giáo dục nghề nghiệp; đổi mới, đa dạng hoá các hoạt động truyền thông; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, kênh, sóng phát thanh, truyền hình riêng về giáo dục nghề nghiệp; xây dựng chương trình truyền thông quốc gia chia sẻ những tấm gương, các mô hình đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp thành công trong giáo dục nghề nghiệp...

2- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp:

- Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề; thu hút, tuyển dụng cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý về giáo dục nghề nghiệp ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo đồng thời bảo đảm yếu tố bình đẳng giới; có chính sách khuyến khích và cơ chế mở, linh hoạt để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, người có kỹ năng nghề cao và kinh nghiệm thực tiễn nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh công tác hướng nghiệp trong trung học phổ thông; phân luồng học sinh sau phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp; thực hiện vừa dạy nghề vừa dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; có chính sách khuyến khích học sinh khá, giỏi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; thực hiện phổ cập nghề cho thanh niên; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút người học thuộc các lĩnh vực, ngành, nghề trọng điểm, ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, sức khỏe...

3- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp:

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; nâng cao tính tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xây dựng cơ chế tự kiểm tra, giám sát của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; phát triển hệ thống đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

4- Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp:

Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm về quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của các bộ, ngành bảo đảm hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục; lựa chọn các ngành, nghề trọng điểm và trường được lựa chọn ngành nghề trọng điểm phù hợp với từng thời kỳ.

Hình thành hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao gồm các trường chất lượng cao, trường thực hiện chức năng của trung tâm vùng, trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, phù hợp theo từng thời kỳ, làm hạt nhân, dẫn dắt, lan tỏa và thực hiện liên kết vùng và tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các ngành nghề mới, kỹ năng mới, kỹ năng tương lai, tổ chức đào tạo và nhân rộng các chương trình đào tạo chuyển giao từ các nước phát triển.

11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

5- Đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động:

Nghiên cứu, đề xuất ban hành, sửa đổi các chính sách về hỗ trợ học nghề cho các đối tượng; có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thông qua Thẻ học nghề cho người lao động; quy định các chuẩn chuyên môn và điều kiện đảm bảo triển khai hiệu quả hoạt động đào tạo nghề tại doanh nghiệp; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho lực lượng lao động, đặc biệt là đối với các ngành nghề mới, kỹ năng mới nhằm tạo chuyển biến trong xây dựng xã hội học tập; khuyến khích, ưu đãi để phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài...

6- Đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo và tổ chức quản lý đào tạo:

Phát triển, chuẩn hóa và cập nhật kịp thời các bộ tiêu chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp tiếp cận chuẩn của các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới; hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp, định hướng phân tầng chất lượng và đặc thù các ngành, nghề đào tạo; tăng cường gắn kết với doanh nghiệp để khai thác, sử dụng thiết bị đào tạo tại doanh nghiệp nhằm bảo đảm "học đi đôi với hành"; phát triển mô hình "nhà trường thông minh, hiện đại", "nhà trường xanh"; đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ảo, thiết bị ảo, thiết bị tăng cường ở những ngành, nghề phù hợp; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, liên thông dựa trên mô đun, tín chỉ, đáp ứng chuẩn đầu ra...

7- Phát triển đội ngũ nhà giáo, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp:

Tổ chức, sắp xếp hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo theo hướng phân bố hợp lý theo vùng, miền, đáp ứng nhu cầu phát triển đội ngũ nhà giáo; đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng hoá các chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng; đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo giảng dạy ngành, nghề trọng điểm cấp độ ASEAN, quốc tế tại nước ngoài. Thực hiện công nhận kỹ năng, trình độ đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ ở ngành nghề khác chuyển sang làm giáo viên, giảng viên; phát triển mạnh đội ngũ nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề đủ năng lực tham gia đào tạo các cấp trình độ của giáo dục nghề nghiệp; triển khai hiệu quả các cộng đồng, mạng lưới kết nối đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia và người dạy nghề trong giáo dục nghề nghiệp; nâng cao năng lực ngoại ngữ, năng lực ứng dụng công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo, tạo sự vượt trội về phẩm chất, năng lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý các cấp, học sinh sinh viên ở các chương trình đào tạo chất lượng cao...

8- Nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp:

Xây dựng các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh và thị trường lao động theo từng vùng, địa phương, phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đối tượng đặc thù, lao động từ khu vực phi chính thức, lao động bị thất nghiệp hoặc có nguy cơ thất nghiệp.

Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; thí điểm mô hình đào tạo tại doanh nghiệp, trong khu công nghiệp bảo đảm phù hợp đối với đặc điểm, tính chất và điều kiện sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI và mô hình hội đồng kỹ năng nghề các cấp...

9- Tăng cường nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp:

Ưu tiên bố trí chi ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục - đào tạo và dạy nghề tương xứng với vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp nhất là cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn; đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công tư nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nhiều nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực, địa bàn mà khu vực ngoài công lập có thể tham gia. Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm chính sách bình đẳng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập; ưu tiên đầu tư đồng bộ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao đặc biệt các cơ sở thực hiện chức năng đào tạo và thực hành vùng, quốc gia; cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt; cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; ngành, nghề trọng điểm, kỹ thuật cao; nghề "xanh"; ngành, nghề đào tạo mới, kỹ năng tương lai; ngành, nghề đào tạo đặc thù...

10- Chủ động, tích cực, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp:

Mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh đàm phán, ký kết, triển khai các thỏa thuận, chương trình hợp tác với đối tác quốc tế, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam trong việc hỗ trợ cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học sinh, sinh viên nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

Hình thành mạng lưới chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài, đặc biệt trong việc tiếp nhận chuyển giao chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp giảng dạy và học tập; trao đổi giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên, chuyên gia quốc tế...

11- Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo; hướng nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo:

Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo về nghiên cứu khoa học, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp; hình thành các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao.

Tăng cường nghiên cứu khoa học, cập nhật, ứng dụng các công nghệ mới trong giáo dục nghề nghiệp theo hướng ứng dụng và chuyển giao công nghệ với sự tham gia của người học, nhà giáo, chuyên gia, nghệ nhân, người sử dụng lao động; gắn hoạt động đào tạo với chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh thực hiện nghiên cứu khoa học theo cơ chế đặt hàng; gắn kết các tổ chức nghiên cứu khoa học với nhà trường và doanh nghiệp.

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho người học và các hoạt động hỗ trợ người học khởi nghiệp, tự tạo việc làm; xây dựng không gian khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp giáo dục nghề nghiệp tại các vùng...



Nguồn: https://phunuvietnam.vn/11-nhiem-vu-giai-phap-trong-tam-de-doi-moi-phat-trien-va-nang-cao-chat-luong-giao-duc-nghe-nghiep-20250207210040648.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available