Ngày 30-12, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc Gia TPHCM) tổ chức hội nghị “Nhà tuyển dụng và cựu sinh viên” nhằm mục đích cải tiến và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, góp phần vào công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội.
TS Phan Mạnh Hùng, Phó trưởng Khoa Văn học, cho biết, định kỳ 2 năm một lần, khoa Văn học sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các bên liên quan, gồm: người học, giảng viên và đặc biệt là các nhà tuyển dụng. Trong đó, quan trọng là nhà tuyển dụng bởi đây là sẽ nơi tiếp nhận sinh viên vào làm việc sau khi các bạn ra trường. Việc có thêm góp ý, kiến nghị từ nhà tuyển dụng sẽ giúp khoa có những chương trình đào tạo phù hợp, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực.
Trước đây, Khoa Văn học có 3 ngành đào tạo: Văn học, Hán Nôm và Ngôn ngữ. Từ năm 2017, ngành Ngôn ngữ tách ra, mới đây có thêm ngành Biên kịch Điện ảnh – Truyền hình. Sắp tới đây, Khoa Văn học sẽ tuyển một ngành độc lập là Nghệ thuật học, bắt đầu đào tạo từ năm 2024.
Thực tế cho thấy, sinh viên Khoa Văn học đã và đang là nguồn nhân lực quan trọng cho xã hội. Ngoài công tác nghiên cứu, giảng dạy, rất đông sinh viên khoa Văn học còn tham gia làm việc tại các cơ quan báo chí, truyền thông, xuất bản…
Tham gia hội nghị, trong vai trò nhà tuyển dụng, anh Trần Đình Ba, Phó Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM, cho biết, tại NXB Tổng hợp TPHCM hiện có khoảng 20 biên tập viên gần như không có ai xuất phát từ Khoa Xuất bản mà hầu hết là tốt nghiệp từ các khoa khác nhau.
Theo anh, biên tập viên là người làm việc nhiều cùng với con chữ thể hiện qua bản thảo. Vì vậy, họ cần có những yếu tố cơ bản, đó là kiến thức chuyên môn sâu đối với lĩnh vực bản thảo mình phụ trách, có thể là về văn học, lịch sử, văn hóa, ngoại ngữ… Cùng với đó là kỹ năng nghiệp vụ về khai thác, biên tập bản thảo, giao tiếp với tác giả, dịch giả… làm việc nhóm, chịu được áp lực tiến độ bản thảo khi cần.
Liên quan những kỹ năng mà sinh viên Khoa Văn học cần phải có nếu có nhu cầu làm việc tại các NXB, anh Trần Đình Ba cho biết: “Với sinh viên mới ra trường, bên cạnh kiến thức chuyên môn chuyên ngành được đào tạo mà NXB cần, các em cần có thái độ cầu tiến, ham học hỏi. Kỹ năng xử lý bản thảo được tích lũy dần qua thời gian, qua quá trình tự học là phần nhiều. Ngoài ra, các em cần có thêm những kỹ năng mềm về giao tiếp, làm việc nhóm…”.
ThS Lê Thị Gấm, Trưởng bộ môn Khoa học ứng dụng (Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Văn Lang), đặt ra vấn đề làm sao để khai thác được thế mạnh của người học Văn. Theo chị, sinh viên Khoa Văn học đã có khối kiến thức nền, cơ sở, và khối kiến thức chuyên ngành văn học tốt rồi. Nếu có thêm hướng bổ trợ để phát huy thế mạnh đó thì khi ra trường đi làm, các bạn sẽ dễ dàng cạnh tranh với những người lao động khác.
“Chúng ta nên có những môn khai thác thế mạnh của những người học văn, mà năng lực mạnh nhất là viết. Nên có những môn như viết cho quan hệ công chúng bởi xu hướng của viết cho quan hệ công chúng thay đổi liên tục hay những môn cho truyền thông trên mạng xã hội”, ThS Lê Thị Gấm góp ý.
Tại hội nghị, nhiều nhà tuyển dụng đều có chung ý kiến cho rằng, hiện nay kỹ năng giao tiếp (trực tiếp và gián tiếp) của đa phần sinh viên mới ra trường còn hạn chế. Chính vì vậy, việc trang bị cho các bạn sinh viên nói chung và sinh viên khoa Văn học nói riêng kỹ năng giao tiếp là điều cần thiết. Điều này giúp các bạn dễ dàng và thuận tiện hơn trong việc hòa nhập ở chốn công sở.
HỒ SƠN