HÀ TĨNH-“Bẻ lái” sang Tin học năm lớp 10, Tuấn Anh trở thành học sinh duy nhất không thuộc trường chuyên được chọn vào đội tuyển Olympic Tin học châu Á – Thái Bình Dương.
Trần Tuấn Anh đang học lớp 12A1, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Đức Thọ. Nam sinh lọt vào đội tuyển thi Olympic Tin học châu Á – Thái Bình Dương, sau khi đứng thứ 9/38 thí sinh tham gia kỳ tuyển chọn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cuối tháng 3.
Vòng thi này quy tụ những học sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, hầu hết từ trường chuyên. Tuấn Anh ban đầu nghĩ cơ hội để được chọn vào đội tuyển khá mong manh, nên đã nỗ lực làm bài với tâm thế thoải mái nhất.
“Ra khỏi phòng thi, thấy bố mỉm cười khi theo dõi điểm trên màn hình, em biết đã tạo kỳ tích”, Tuấn Anh nói.
Thầy Phan Hữu Quyền, Hiệu phó trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết trong lịch sử 52 năm, đây là lần đầu tiên trường có học sinh được chọn vào đội tuyển Olympic của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuấn Anh đã phải vượt qua nhiều vòng tuyển chọn, từ kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, đến kỳ thi chọn đội tuyển quốc tế.
“Thành tích này rất xuất sắc”, thầy Quyền nói.
Tuấn Anh nhà ở thôn 3, xã Sơn Long, huyện Hương Sơn. Năm lớp 2, nam sinh được bố mẹ cho tiếp xúc với máy tính và điện thoại.
“Ban đầu em dùng máy tính để chơi game, nghe nhạc và đọc báo. Lên lớp 4, em bắt đầu thấy Tin học thú vị hơn, thỉnh thoảng tự mày mò làm trình chiếu, viết các câu lệnh vẽ hình”, nam sinh nhớ lại.
Khi vào lớp 5, Huyện đoàn Đức Thọ tổ chức giải tin học trẻ, Tuấn Anh được thầy cô chọn dự thi và bất ngờ giành giải nhất. Nam sinh ước mơ trở thành lập trình viên từ đó.
Ngày vào lớp 6, Tuấn Anh nhận thấy ở cấp THCS ít có các cuộc thi ở môn Tin học, nên chuyển hướng sang học tiếng Anh. Năm lớp 8, nam sinh thi học sinh giỏi vượt cấp và giành giải ba của tỉnh. Một năm sau, em trở thành thủ khoa kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 môn Tiếng Anh. Năm lớp 10, Tuấn Anh thi IELTS và đạt điểm 8.0.
Dù vậy, Tuấn Anh vẫn không quên Tin học. Hàng ngày, cậu dùng máy tính để trau dồi kỹ năng, làm hết bài tập môn Tin trong sách giáo khoa. Cậu xác định Tin học mới là môn sẽ gắn bó khi vào đại học, hiện thực ước mơ trở thành lập trình viên.
“Sau khi đạt 8.0 IELTS, em đưa ra quyết định khá nhanh là chuyển sang Tin, cả thầy cô lẫn bạn bè đều băn khoăn”, Tuấn Anh kể. Nam sinh cho rằng dù chuyển hướng, cậu vẫn dùng tiếng Anh hàng ngày nên không lãng phí. Hơn nữa, với lợi thế này, cậu tìm được rất nhiều sách Tin học bằng tiếng Anh để tham khảo.
“Khi hiểu tiếng Anh, mình có thể tham gia nhiều cộng đồng Tin học ở nước ngoài, trò chuyện với các bạn để xin thêm tài liệu, bàn cách giải các bài toán”, Tuấn Anh nói.
Nam sinh nhìn nhận các đề bài Tin học thường có nhiều đáp án khác nhau. Khi trao đổi, cậu thường tìm hiểu phương án của bạn, rồi tổng hợp các ý để tìm ra lời giải tốt nhất.
Hàng ngày, Tuấn Anh cũng tham gia các cuộc thi trên mạng, thấy hứng thú khi điểm số lên xuống cập nhật liên tục. Có những ngày nghỉ, Tuấn Anh dành đến 10 tiếng để học và ôn tập. Em nhận ra Tin học được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, qua những vật dụng thân thuộc như tivi, tủ lạnh…
Ngay khi chuyển hướng vào năm lớp 10, Tuấn Anh đã tham dự kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Tin học lớp 12 và đạt giải ba. Lên lớp 11, cậu giành giải nhất, rồi được chọn vào đội tuyển của tỉnh. Ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm nay, nam sinh đạt giải nhì.
Ông Trần Thanh Bằng, 48 tuổi, bố Tuấn Anh, cho hay gia đình không áp đặt mà tạo mọi điều kiện để các con theo đuổi đam mê. Hôm con thi vòng chọn đội tuyển của Bộ, ông cùng hàng xóm ra Hà Nội để cổ vũ. Nhìn con tranh tài với bạn bè ở nhiều trường chuyên nổi tiếng, ông thấy “ngợp”.
“Bảng điểm online cứ nhảy lên nhảy xuống như chơi chứng khoán, tôi hồi hộp vô cùng”, ông Bằng nhớ lại. “Kết thúc hai ngày thi, thấy tên Tuấn Anh trong top 10, tôi mừng phát khóc”.
Thầy Phan Hữu Quyền cho biết thêm hồi đầu năm lớp 10, nhận thấy Tuấn Anh giỏi cả Tin học lẫn tiếng Anh, thầy cô cũng băn khoăn về định hướng bồi dưỡng. Khi thấy em có tố chất đặc biệt với Tin học, kỹ năng vượt trội so với nhiều bạn bè nên trường ủng hộ nam sinh chuyển hướng.
“Ngoại ngữ là công cụ để giúp Tuấn Anh bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng và kiến thức về Tin học. Những thành tích bước đầu cho thấy bước ngoặt chuyển từ tiếng Anh sang Tin là đúng”, thầy Quyền nói.
Tuấn Anh cho biết sẽ chuẩn bị tinh thần thật tốt cho các vòng thi của đội tuyển Olympic Tin học sắp tới.
“Mục tiêu của em là lọt vào top 6 của đội tuyển”, Tuấn Anh nói. “Vào top 6 sẽ được xét điểm để chọn ra 4 bạn dự Olympic Tin học quốc tế (IOI), nhưng lúc này em chưa nghĩ xa hơn”.
Ngoài ra, nam sinh dự định nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành Khoa học máy tính hoặc Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo.
Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai thành lập năm 1972, đóng tại thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ. Nhiều năm qua, trường luôn đạt thành tích cao ở các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, chỉ sau trường THPT Chuyên Hà Tĩnh. Năm học 2023-2024, trường có 18 giải nhất thi học sinh giỏi tỉnh.
Cuộc thi Olympic Tin học châu Á – Thái Bình Dương năm 2024 dự kiến diễn ra vào tháng 5. Năm ngoái, Việt Nam giành 6 huy chương, gồm hai bạc, hai đồng; xếp hạng 9 trong 36 đoàn dự thi.