Nguyễn Tuấn Phong là học sinh đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh giành huy chương vàng ở một kỳ thi Olympic quốc tế.
Nguyễn Tuấn Phong, cựu học sinh THPT chuyên Bắc Ninh, vừa trở thành tân sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong lễ khai giảng đầu tháng 9, nam sinh đại diện cho khoảng 8.000 tân sinh viên phát biểu và được vinh danh vì thành tích xuất sắc. Em từng giành huy chương bạc Olympic Vật lý châu Âu 2022 và huy chương đồng Olympic Vật lý châu Á – Thái Bình Dương 2023.
Ở kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế diễn ra vào tháng 7 tại Nhật Bản, Phong là một trong hai học sinh của Việt Nam giành huy chương vàng và là thí sinh có điểm số cao nhất toàn đoàn. Với 37,5/50 điểm, chàng trai Bắc Ninh đứng thứ 22 trong tổng số 398 thí sinh đến từ 84 quốc gia và vùng lãnh thổ.
“Khi đạt huy chương đồng ở giải châu Á, em nghĩ mình có thể giành vàng ở cuộc thi quốc tế vì đề châu Á luôn được đánh giá khó hơn. Nhưng em không nghĩ mình đạt kết quả tốt đến vậy”, Phong nói.
Ông Hà Huy Phương, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Bắc Ninh, cho biết Phong là người “mở” vàng ở đấu trường Olympic quốc tế của tỉnh Bắc Ninh. Ngay sau Phong, một học sinh khác của trường giành huy chương vàng Olympic Hóa học.
Ngày mới vào cấp 2, Phong muốn học sâu môn Toán. Tuy nhiên, nam sinh không thành công trong kỳ thi chọn đội tuyển của trường. Năm lớp 7, trong lần đầu được vào phòng thí nghiệm của trường, mày mò các thiết bị, đặc biệt bộ thí nghiệm điện, Phong bắt đầu yêu thích và dành nhiều thời gian cho Vật lý. Phong sau đó đạt giải nhất cấp tỉnh năm lớp 8 và giải nhì năm lớp 9 môn này.
Đỗ vào lớp chuyên Lý trường THPT chuyên Bắc Ninh với điểm môn chuyên cao thứ hai của lớp, Phong được thầy cô bồi dưỡng để dự các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Sau năm lớp 10 học gần đủ kiến thức của ba năm THPT, nam sinh bắt đầu học những phần “nâng cao, mới mẻ, thực sự khó nhằn”. Lúc này, em làm bạn với bộ đề thi các năm, đọc thêm những cuốn sách nổi tiếng về bồi dưỡng học sinh giỏi Vật lý.
Thầy Phạm Đình Hiệp, giáo viên chủ nhiệm của Phong ở trường chuyên Bắc Ninh, đánh giá Phong tương đối chắc về mặt kiến thức từ lớp 11. Thông thường, học sinh khối 11 sẽ đuối hơn khi tham gia đội tuyển cùng lớp 12 nhưng Phong cùng một chị lớp 12 luôn ganh đua để giành vị trí đứng đầu.
Theo thầy Hiệp, Phong có cách học đặc biệt, học đến đâu chắc đến đó nên chỉ ghi chép lại những gì cảm thấy cần. Với những phần tự thấy đã ổn, em không ghi lại. “Giáo viên nào không biết hoặc chưa quen sẽ dễ mắng vì không thấy bạn ghi gì nhiều, nhưng thực tế không phải vậy”, thầy Hiệp nói.
Với Phong, việc nắm chắc kiến thức nền tảng là quan trọng nhất. Em chia sẻ khi tiếp xúc với phần kiến thức nào, việc đầu tiên phải hiểu rõ bản chất các hiện tượng, vấn đề, tự chứng minh các công thức để nhớ lâu và sâu. Khi làm bài, đặc biệt là đi thi, em có một số nguyên tắc, ví dụ khi thực hành phải tôn trọng các bước, cẩn trọng trong đo đạc, số liệu rõ ràng, sạch sẽ, ưu tiên phần dễ để có điểm, làm phần nào chắc phần đó, không “nhảy” bài hay làm giả số liệu.
Với cách học này, Phong giành giải nhì quốc gia rồi huy chương bạc Olympic Vật lý châu Âu khi mới học lớp 11.
Đến lớp 12, Phong áp lực hơn khi các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Olympic châu Á – Thái Bình Dương và quốc tế diễn ra liền nhau. “Em chỉ có khoảng một tháng ôn tập trước mỗi kỳ thi với mỗi ngày ba ca học”, Phong kể.
Dù vậy, nam sinh Bắc Ninh rất tự tin với kiến thức mình có. Thời gian thi khu vực và quốc tế, được tập huấn với các bạn đến từ tỉnh, thành khác, Phong không gặp vấn đề gì về các nội dung bài học. Nam sinh còn dành thời gian chơi cờ vua online để giải trí, đồng thời rèn tư duy chiến thuật và khả năng suy nghĩ nhanh.
Ở kỳ thi Olympic Vật lý châu Á – Thái Bình Dương diễn ra tại Mông Cổ, dù gặp sự cố khiến thí sinh đang làm thí nghiệm điện phải làm lại từ đầu và mất thêm khoảng 10 phút, Phong vẫn tự tin hoàn thành tốt bài để giành huy chương đồng – kết quả tốt nhất học sinh Việt Nam đạt được năm nay.
Với kỳ thi quốc tế, mỗi bài thi lý thuyết và thực hành kéo dài 5 tiếng, được đánh giá hay nhưng dài khiến Phong không nhớ hết nội dung từng bài. Dù vậy, em đã làm suôn sẻ vì tuân thủ đúng những nguyên tắc đặt ra và đổi màu huy chương thành công như dự kiến.
Khi đăng ký nguyện vọng đại học, Phong đã đăng ký vào ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội. Thực tế, với thành tích đã đạt được, Phong có thể trúng tuyển nhóm ngành hot nhất trường là Công nghệ thông tin. Nhiều người cũng khuyên em nên chọn nhóm ngành này. Thế nhưng, Phong cho rằng “cần chọn ngành học dựa vào sở thích và nền tảng đã có thay vì chạy theo ngành hot nhưng chưa có đam mê”.
Phong cũng ấp ủ giấc mơ du học. Em đang tập trung học tiếng Anh để thi IELTS trước khi làm hồ sơ ứng tuyển học bổng. Điểm đến em mong muốn là Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST).
Vnexpress.net