Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dấu tích lịch sử bên dòng sông Dâu

Báo Đại Đoàn KếtBáo Đại Đoàn Kết28/03/2025

Sau hơn 20 ngày thực hiện khai quật, hình dáng 2 chiếc thuyền cổ gần thành Luy Lâu (thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã xuất lộ. Các chuyên gia bắt đầu đi tìm lời giải về niên đại và những bí ẩn của 2 chiếc thuyền cổ này…


bai chinh - anh chinh
Khu vực phát hiện 2 chiếc thuyền cổ. Ảnh: P. Sỹ.

Phát hiện độc đáo, giàu giá trị

Cuối năm 2024, trong quá trình cải tạo ao nuôi cá, một gia đình ở khu phố Công Hà (phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành) đã phát hiện một vật thể có hình dáng giống một chiếc thuyền dài hàng chục mét. Ngay sau đó, gia đình đã dừng hoạt động máy móc để tránh gây ảnh hưởng và nhanh chóng báo cho chính quyền địa phương.

Vị trí phát hiện cách thành Luy Lâu khoảng 1km, cách chùa Dâu khoảng 600m về phía đông bắc; cách chùa Tổ (thờ Phật Mẫu Man Nương) khoảng 500m theo đường chim bay. Trong phạm vi khai quật khoảng 300m2, hai chiếc thuyền nằm cách nhau khoảng 2m. Một chiếc có chiều dài khoảng 15m, rộng 2,2m; chiếc còn lại dài 14m, rộng khoảng 1,6m. Dù nằm sâu dưới lòng đất song các thuyền đang giữ được hình dạng khá nguyên vẹn.

Theo TS Phạm Văn Triệu - Phó Trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học), đây là một phát hiện rất có giá trị bởi tính độc đáo của hiện vật. Theo đo đạc, chiếc thuyền vừa được khai quật dài khoảng 16,2m; chiều rộng khoảng 2,5m; chiều sâu, tính từ phần còn nguyên vẹn nhất xuống đến đáy là 2,15m. Về cấu trúc, hai thuyền được đấu với nhau phần mũi, đáy độc mộc, trên ghép ván bằng mộng và chốt gỗ.

Đánh giá sơ bộ cho thấy, đây là con thuyền chứng minh cho tính xác thực vai trò của sông Dâu trong lịch sử. Theo vị trí khai quật, hướng sông Dâu theo chiều Bắc - Nam, thuyền đang nằm ngang theo chiều Đông - Tây. Không gian tổng thể, vị trí thuyền cách thành Luy Lâu theo đường chim bay khoảng 800m. Nếu lấy thành Luy Lâu làm tâm, quay bán kính 1km thì xung quanh khu vực này dày đặc di tích đình, chùa.

“Trong quá trình khai quật và nghiên cứu bước đầu, đây có thể là thuyền song thân, 2 đáy với kỹ thuật ghép mộng khá cao. Toàn bộ thuyền dùng đinh gỗ, lòng thuyền được đục từ một thân cây gỗ nguyên. Đây là một phát hiện rất có giá trị bởi tính độc đáo của hiện vật. Vị trí phát hiện cách thành Luy Lâu khoảng 1km, cách chùa Dâu khoảng 600m về phía Đông Bắc nên có thể từng được sử dụng để chở hàng hoá lưu thông trên dòng sông Dâu xưa” - TS Phạm Văn Triệu nói.

Hiện tại, niên đại và chủng loại của hai chiếc thuyền vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học bước đầu phán đoán rằng chúng có thể được chế tạo trong khoảng thế kỷ XI đến thế kỷ XIV, sử dụng gỗ táu và gỗ lim. Bên trong thuyền không tìm thấy cổ vật nào khác, chỉ có một số hạt quả và cành cây. Để làm rõ niên đại cũng như chức năng của thuyền, các chuyên gia đã thu thập nhiều mẫu vật. Một số trong đó đang được phân tích bằng phương pháp đồng vị phóng xạ Carbon-14 (C14). Quá trình này do Viện Khảo cổ học phối hợp với Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân thực hiện, dự kiến cần khoảng 20-25 ngày để có kết quả.

Dù chưa thể đưa ra đánh giá tổng thể về giá trị của chiếc thuyền, nhưng nhiều chuyên gia nhận định đây là một trong những chiếc thuyền lớn và độc đáo nhất từng được phát hiện trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam.

PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nhận định, đây là một con thuyền chưa từng có tại Việt Nam, xét trên nhiều khía cạnh như vật liệu, kỹ thuật đóng tàu và cấu trúc.

Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện và mở rộng để có thể đánh giá đầy đủ giá trị của con thuyền, đồng thời tìm ra phương án bảo tồn hiệu quả. Bên cạnh đó, PGS.TS Tống Trung Tín cũng đề xuất công bố rộng rãi thông tin để thu hút sự quan tâm của các chuyên gia quốc tế, qua đó góp phần làm sáng tỏ giá trị lịch sử, văn hóa của Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng.

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Minh Trí - Phòng Khảo cổ học dưới nước (Viện Khảo cổ học) nhận định, đây là phát hiện mang ý nghĩa quan trọng về kết nối sông Dâu với biển và kinh thành Thăng Long trong hệ thống dòng chảy sông cổ có từ xa xưa.

bai chinh anho nho
Vị trí xuất lộ thuyền cổ nằm trên dòng sông Dâu - một nhánh của sông Thiên Đức (sông Đuống) chảy sát bờ phía Tây của thành Luy Lâu.

Gợi mở phương án bảo tồn

Theo các nhà khoa học, việc di dời hai chiếc thuyền có kích thước lớn ra khỏi hiện trường là một thách thức không nhỏ, bởi thuyền lớn, ngâm trong nước lâu nên di dời nguyên trạng là bất khả kháng. Do đó, đề xuất chính quyền địa phương cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu phương án bảo tồn tại chỗ, bao gồm xây dựng bể chứa và dựng nhà trưng bày để bảo vệ và giới thiệu hiện vật một cách hiệu quả.

TS Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho rằng dù con thuyền thuộc niên đại nào, nó vẫn là một di sản vô cùng quý giá và ý nghĩa. Vì vậy, cần có sự đầu tư và nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo tồn.

Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Minh Trí cho rằng có thể bảo tồn bằng một trong hai phương án. Phương án thứ nhất là lấp lại khu vực khảo cổ để giữ nguyên trạng di tích dưới lòng đất, đồng thời khoanh vùng bảo vệ. Hình ảnh 3D tái hiện con thuyền sẽ được sử dụng để phục vụ du khách và người dân, giúp họ hình dung rõ nét về hiện vật mà vẫn đảm bảo công tác bảo tồn.

Hoặc bảo tồn ngay tại chỗ mà không lấp, bằng cách xây dựng một bể chứa nước nhằm duy trì hiện trạng con thuyền. Phương án này cho phép du khách tham quan trực tiếp, mang lại giá trị bảo tồn lâu dài và bền vững.

Bên cạnh đó, PGS.TS Bùi Minh Trí cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm ứng dụng công nghệ quét 3D để ghi lại toàn bộ cấu trúc con thuyền. Điều này sẽ giúp thu thập dữ liệu phục vụ phân tích, so sánh, mở rộng nghiên cứu, đồng thời tạo cơ hội đưa thông tin ra quốc tế, qua đó tìm kiếm sự hỗ trợ về chuyên môn và kỹ thuật từ các chuyên gia nước ngoài.

Còn PGS.TS Hà Văn Cẩn - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khảo cổ học đề nghị bảo tồn tại chỗ, kiến nghị lấp bảo tồn. Sau khi có quy hoạch, sẽ lập dự án để xây nhà bảo quản, nhà di tích, khai quật lại, tiến hành bảo tồn gỗ. Khi đó sẽ cùng các chuyên gia về bảo tồn và các nhà khảo cổ học đưa ra phương án thích hợp. Còn trước mắt là bảo tồn cấp thiết tại chỗ.

Từ ý kiến của các nhà khoa học, ông Lê Quang Vụ - chuyên viên Cục Di sản văn hóa đề nghị, bước tiếp theo hiện nay là cần mở một số hố thăm dò để có thêm thông tin vì thông tin liên quan đến thuyền này hầu như không có. Bên cạnh đó phải điều tra hồi cố các tư liệu liên quan; đồng thời phương án bảo tồn phải dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu. Việc bảo tồn tại chỗ là bảo tồn tối ưu nhất ở giai đoạn này.

Ông Nguyễn Văn Đáp - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh cho biết đây là một phát hiện quan trọng và có giá trị đặc biệt. Lần đầu tiên, một đôi thuyền song thân được tìm thấy tại Việt Nam với kỹ thuật đóng thuyền rất tinh xảo. Hiện nay, các chuyên gia vẫn đang chờ kết quả kiểm định để xác định niên đại chính xác. Trước mắt, nhiều ý kiến nghiêng về phương án bảo tồn tại chỗ. Khi có kết quả cụ thể, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có báo cáo trình UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo.



Nguồn: https://daidoanket.vn/xung-quanh-2-chiec-thuyen-co-vua-phat-hien-o-bac-ninh-dau-tich-lich-su-ben-dong-song-dau-10302428.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm