Nam Định phố, nguyên là những ngôi làng hợp lại mà thành. Cho đến đầu thế kỷ XX, khi người Pháp đem văn hóa đô thị châu Âu vào thì cái “hồn làng” trong những phố Nam Định cũ mới chầm chậm phôi pha. Và đến tận bây giờ, nó vẫn bàng bạc không hết, vẫn còn Vị Hoàng, Năng Tĩnh – tên của hai làng cổ khi xưa. Và những con ngõ làng vẫn còn tên gọi tồn tại cho đến ngày nay như: ngõ Văn Nhân, ngõ Yên Thế, ngõ Diên Hồng, ngõ Phán Chương… Phố nhỏ, ngõ nhỏ, vỉa hè cũng nho nhỏ nên hàng xóm không thể không chào nhau, tức là lại thấp thoáng nếp làng. Người Nam Định vẫn tự hào về những tên phố, tên ngõ nao nao nỗi nhớ ấy, như một chút dư vị được chắt lọc, còn lắng lại của một thành phố đô hội xưa kia. Phố để người Nam Định tha thiết nhớ ấy, thường có dáng dấp đã nằm ở trong thơ của thi sĩ Tú Xương, hoặc ở trong tranh của họa sĩ Hồ Y.
Nam Định phố, không giống như Hà Nội, phố, ngõ ở Nam Định khiêm nhường hơn, mảnh dẻ hơn, vẫn còn nguyên vẻ im lìm, nét kín đáo riêng tư. Do vậy, người Nam Định có thói quen đi dạo quanh thành phố vào ban đêm, thả bộ thong dong trong tâm thế nhàn tản, để thưởng ngoạn chút cổ kính còn lại. Và cũng chỉ khi đó, những người Nam Định cũ kỹ mới nghe được tiếng chuông chùa hay chuông nhà thờ buông nhẹ thoảng lẫn tiếng lá rụng. Nam Định về đêm là những con phố dài lặng thinh vắng vẻ, là lúc cái mùi ngai ngái của quá khứ tràn về, cũng là lúc tiếng rao đêm của những người bán dạo khuya dễ làm ta nao lòng nhất. Mọi thứ dường như trở lại là mình, bỏ lại tất cả những gì phiền muộn của một ngày lao động mệt nhọc.
Người Nam Định vẫn nhắc về một thành phố với 40 phố Hàng xưa, là thành phố có “thị” rồi mới lập “phố”, nên Nam Định ngày nay vẫn mang dáng dấp của phố thị, đậm chất buôn bán nhỏ lẻ. Có góc vỉa hè từ 5 giờ đến 8 giờ sáng là của người bán bún miến, sau 8 giờ đến chiều lại thành nơi bán áo quần, đồ chơi trẻ con, tối: cà phê, chè chén. Phố xá không có giờ ngơi nghỉ. Phố xá như bà mẹ nhà quê tần tảo nhặt nhạnh suốt ngày hết việc nọ đến việc kia luôn chân luôn tay. Đó là chưa kể những hàng rong ăn nhẹ thoắt đến thoắt đi như khách bộ hành, lúc là đôi quang gánh, khi là chiếc xe đạp với cái mẹt hàng sau yên có từ mớ rau, con cá, nắm hoa, đến xôi, chè, sắn hấp, hoa quả… Đủ tất cả những gì mà nhu cầu cuộc sống cần đến. Phố nhỏ, ngõ nhỏ ấy thật bình dị, cứ tự nhiên thanh thản trôi.
Nam Định phố, còn được biết đến là vùng đất của ẩm thực đường phố. Chỉ vài bước chân nơi góc phổ cổ thôi là có thể thưởng thức, chiêm nghiệm cả một nét văn hoá Thành Nam qua những món ăn đậm chất riêng. Đó là: lạc rang húng lìu, ngô rang đèn đỏ; bánh cuốn hấp; nộm bò khô nem cuốn; bánh gio bà chột; xôi đỗ xanh bà Thi; cháo gà bà Thái Lan; chè thập cẩm bà Đường; bánh tôm ông Xuyên; xôi khúc bà Hồng chột; xôi xíu ông Hồng; bún mọc bà Đề, bánh cuốn làng Kênh bà Phương; xôi chè đỗ đen bà Chung; xôi vò chè đường bà Hợi; gà tần cô Nga; phở bà Đán; bún chả nhà thờ, mì vằn thắn Lê Hồng Phong,…
Nam Định phố, giờ đã mở rộng nhiều, phố nhỏ, ngõ nhỏ đã ồn ã hơn xưa nhưng trong tâm thức con người, phố nhỏ, ngõ nhỏ vẫn giữ được cái yên bình. Đó là tầng văn hóa đã thành trầm tích mà ai tinh ý đi dọc qua các phố vẫn có thể bắt gặp. Sau cái chen lấn chật chội kia, một Nam Định ngõ nhỏ, phố nhỏ với những con người của vùng đất đô hội xưa kia vẫn hiện lên trong ứng xử, giao tiếp, và đó chính là nếp sống./.
Trần Huyền Nga