Phong cách và lối trang trí không có gì đặc biệt. Ngoài những chiếc quạt panka treo trên trần, được một bàn tay vô hình đung đưa nhẹ nhàng, đồ đạc gần như giống hệt đồ trang trí ở hầu hết các phòng ốc dành cho các hội đồng thảo luận. Căn phòng trắng toát, không có phào chỉ, mở ra hai hành lang bên hông cho công chúng. Chắc hẳn nhiều nghị trường có trụ sở không đẹp bằng.
Tôi đã dự một trong các phiên họp của hội đồng và không hề thấy tiếc buổi chiều của mình. Thành thật mà nói, cuộc thảo luận không mấy thú vị. Hôm đó, người ta chỉ giải quyết những điều vụn vặt: khiếu nại, đơn xin trợ cấp và cứu tế – nhiều đơn lắm. Người ta cũng bàn đến các loại thuế mới, tăng thuế xuất khẩu lúa gạo, và cuộc thảo luận trở nên sôi nổi hơn. Nhưng việc này không kéo dài. Người ta trở lại với đơn khiếu nại.
Quanh cái bàn hình móng ngựa, các ủy viên hội đồng người Pháp mặc đồ trắng ngồi xen kẽ với các đồng nghiệp An Nam mặc áo dài sẫm màu, nổi bật trên thảm xanh như quân xúc xắc trong trò chơi domino. Những người bản xứ, rất nghiêm túc, rất đúng mực, quyết tâm không bỏ sót một âm tiết nào dù họ nghe không hiểu. Chỉ vào lúc bỏ phiếu, một thông ngôn mới giúp họ nắm bắt tình hình, dịch cho họ nghe các kết luận của báo cáo viên.
Và, thật kỳ diệu, dù những kết luận đó có phức tạp thế nào đi nữa, viên thông ngôn vẫn tìm được cách truyền đạt một cách trôi chảy nhờ áp dụng cách của nhân vật trung gian trong Bourgeois gentilhomme, tức rút gọn thông tin thành ba hay bốn từ tượng thanh, nghe như Belmen và Marababa sahem, khiến tôi tin rằng tiếng An Nam có nhiều thuộc tính giống tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, một ngôn ngữ chỉ dùng ít từ thôi nhưng bao hàm nhiều ý mà bạn không nên bỏ qua. Sau đó, các thành viên hội đồng người bản xứ nghiêm trang gật đầu và rồi người ta chuyển sang những vấn đề khác.
Nhưng đặc trưng của hội đồng này, điều cốt yếu khiến chúng tôi có thiện cảm với nó, chính là việc nó quan tâm đến sự yếu đuối của con người và sự nóng bức khắc nghiệt của thời tiết chuyển mùa, một cách đơn giản, không xấu hổ giả tạo, và rõ ràng với sự ưu ái nhất đời.
Trái ngược với những gì diễn ra ở những nghị trường khác, nơi bầu không khí ngột ngạt thường xuyên bao trùm cả giọng nói của các diễn giả, ở đây, người ta cùng nhau phát biểu… và dùng đồ giải khát.
Trước mặt mỗi người đều có một đồ uống tự chọn pha loãng với đá và nước sô đa. Thỉnh thoảng, người phục vụ đi quanh phòng, đổ thêm nước vào cốc, mang xì gà và thuốc lá cho những người có nhu cầu.
Sài Gòn ngày và đêm
Nói chung, thành phố khá dễ chịu, dù đời sống còn rời rạc. Trái ngược với những gì diễn ra ở các đô thị nhiệt đới ngủ sớm và dậy sớm, Sài Gòn lại thức khuya và ngủ nướng. Đến tận 9 giờ sáng, trừ những khu dân cư bản xứ và khu vực quanh chợ, các con đường đều im ắng, cửa đóng then cài.
Chỉ có người Chà Chetty và người Hoa có dấu hiệu hoạt động: nhóm đầu ngồi xổm trong những quầy hàng rộng chừng nửa mét vuông để kết toán sổ sách; nhóm thứ hai gồm thợ may, thợ giày, thợ mộc trong những tầng trệt chật hẹp mà ở đây gọi là “ngăn”, bắt đầu thao tác với máy may, dùi và bào.
Phải đến 9 hay 10 giờ sáng, những bộ vét tông trắng và đồng phục mới xuất hiện trên đường Catinat. Đúng 11 giờ, người ta ăn trưa. Rồi một lần nữa, từ giữa trưa đến 3 giờ chiều, hàng quán đóng cửa. Đó là giờ nghỉ trưa: phố xá và các quán cà phê vắng vẻ, Sài Gòn tĩnh mịch trở lại.
Từ 5 – 7 giờ chiều người ta thường đi nghe nhạc hay dạo chơi Tour d’inspection ngắm cảnh. Âm nhạc nổi lên, khi thì ở kỳ quan Vườn Bách thảo [nay là Thảo Cầm Viên], khi thì trước câu lạc bộ sĩ quan [nay là Trụ sở Ủy ban Nhân dân Quận 1] trên đại lộ Norodom [nay là đường Lê Duẩn], không xa nơi dựng tượng đồng Gambetta. […]
Người tỉnh lẻ gọi “Tour d’inspection” là “tour tham quan thành phố”. Đó một hành trình dễ chịu chừng 10 ki lô mét trên những con đường đẹp vô song băng qua những kinh rạch tấp nập ghe thuyền qua lại, dẫn đến những ruộng lúa nhấp nhô, những hàng dừa nghiêng ngả. Xe cộ qua lại tấp nập tươi vui, từ những cỗ xe ngựa sang trọng kiểu Victoria chở các quý bà chải chuốt và các quý ông thanh lịch ngồi thảnh thơi cho đến những thùng xe tầm thường phát ra tiếng lạch cạch.
Trên đường, người cưỡi ngựa và người đi xe đạp đua tốc độ. Nhưng, dù môn xe đạp ở đây có khá nhiều tín đồ, nó vẫn chưa phải một môn thể thao được đánh giá cao.
Mỗi tuần bốn lần, có diễn kịch từ 9 giờ đến nửa đêm. Trong tất cả các đô thị của Đông Ấn và Viễn Đông, chỉ Sài Gòn và Batavia có nhà hát. Khán phòng được bố trí gần như giống nhau. Tòa nhà nằm giữa một quảng trường, dưới bóng cây, có sức chứa 1.000 khán giả, như vậy là quá đủ. Trang trí nội thất khá đơn giản nhưng cũng rất trang nhã, khán phòng được thiết kế phù hợp với khí hậu. Các lô ghế ngăn với sân hiên trông ra vườn chỉ bằng vách ngăn thấp để thoáng khí. Trong điều kiện như vậy, vở kịch bớt kinh dị và vở operetta bớt đau thương. (còn tiếp)
Nguyễn Quang Diệu trích từ sách Vòng quanh châu Á: Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, Hoàng Thị Hằng và Bùi Thị Hệ dịch, AlphaBooks – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và NXB Dân Trí ấn hành tháng 7.2024
Nguồn: https://thanhnien.vn/du-ky-viet-nam-mot-phien-hop-cua-hoi-dong-thuoc-dia-185241204223959157.htm