Nhằm phục vụ người Pháp khi đến Sài Gòn, năm 1878, nhà sản xuất đồ gia dụng và vật liệu xây dựng Pierre Cazeaux đầu tư xây dựng Continental – khách sạn sang trọng đầu tiên ở Việt Nam, khánh thành năm 1880.
Theo sách Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn – Chợ Lớn xưa và nay (của 3 tác giả Tim Doling, Nguyễn Đức Hiệp và Võ Chi Mai), nơi đây từng được dùng làm tòa thị sảnh thành phố trước khi tòa thị sảnh (nay là UBND TP.HCM) được xây dựng. Năm 1908, người đầu tiên “phượt” bằng xe hơi từ Sài Gòn đến Nam Vang (Campuchia) là công tước Montpensier (chủ nhân Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết) đã khởi hành từ khách sạn Continental. Sau đó 3 năm, ông mua lại khách sạn này.
Năm 1933, khách sạn được bán lại cho một “tay giang hồ” người Pháp tên Mathieu Franchini. Ông này và người con là Philippe Franchini quản lý khách sạn đến năm 1975.
Công trình gồm một trệt ba lầu, thiết kế theo phong cách cổ điển, giống các khách sạn sang tại Pháp thời bấy giờ với đèn chùm pha lê, cột lớn và cầu thang uốn lượn được chạm khắc tinh xảo… Mái ngói, trần cao 4 m, tường xây gạch nung dày nên chống nóng tốt. Sân trong rộng, hiện vẫn còn 3 cây sứ được cho là trồng từ khi mới xây dựng công trình, tức là khoảng 150 năm tuổi.
Khách sạn Continental là điểm hẹn quen thuộc của các chính trị gia, nhà báo, doanh nhân…, từng xuất hiện trong phim Đông Dương (đạo diễn Régis Wargnier, từng giành giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất và giải Quả cầu vàng).
Nơi đây cũng từng đón nhiều nhân vật nổi tiếng như: nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore – giải Nobel Văn chương năm 1913; cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac; cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad; nhà văn Graham Greene – tác giả cuốn Người Mỹ trầm lặng (sau được đạo diễn Phillip Noyce chuyển thể thành phim nổi tiếng cùng tên); tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn…
Qua gần 150 năm, khách sạn Continental hiện vẫn giữ hầu như nguyên vẹn.
Nguồn: https://thanhnien.vn/goc-ky-hoa-continental-khach-san-hang-sang-co-nhat-viet-nam-185250111212432967.htm