Trường nữ tiểu học đầu tiên
Tọa lạc tại đường Hồ Xuân Hương, TP.Sa Đéc, Trường tiểu học Trưng Vương phảng phất nét cổ kính qua khung chữ đắp bằng xi măng “Trường Nữ tiểu học”, với dãy nhà lợp mái song trùng và phần thảo bạt nhô ra phía trước. So sánh ảnh chụp giai đoạn 1920 – 1929, phần thảo bạt nhô ra hồi xưa là một khối kiến trúc kiểu La Mã, cân đối giữa 2 cây cột và cửa chính vòm tròn, bên trên có đắp thêm Hán tự “Nữ học đường”.
Tiếp chúng tôi là 2 cô giáo đã dạy ở trường 29 năm. Đó là cô Lao Thị Tư, tốt nghiệp Trường ĐH Cần Thơ, về dạy ở đây từ năm 1996 và cô Thiện Hạnh về trường trước cô Tư một thời gian. Các cô cho biết lịch sử của trường có được là nhờ cô hiệu trưởng Phạm Thị Đẹt dày công sưu tập hình ảnh, tư liệu. Sau đó, các cô Thúy Anh, Bích Hà… tiếp tục bổ sung.
Theo tài liệu viết tay trong tập hồ sơ của trường, từ năm 1887 – 1888, chính quyền thực dân Pháp có kế hoạch thành lập một trường Nữ sơ học tại Sa Đéc. Bấy giờ, có ông Nguyễn Thành Út tự nguyện hiến một sở đất để lập trường. Nhưng mãi đến năm 1902, ngôi trường mới được xây dựng theo kiến trúc Pháp, nền cao, tường gạch chắc chắn, mái lợp ngói, có tên là “École De Jeunes Filles”. Do trường chỉ nhận học sinh nữ nên có bố trí một phòng dạy nữ công gia chánh.
Vị đốc học đầu tiên cũng là một nữ giáo học người Pháp tên là Espelette. Mấy mươi năm sau, hiệu trưởng trường cũng là nữ giáo viên, đó là bà Marie Donnadieu, mẹ của nữ sĩ Marguerite Duras, tác giả cuốn tiểu thuyết Người tình (L’Amant) đoạt giải Goncourt năm 1984 và được chuyển thể thành phim năm 1992.
Trường nhiều lần đổi tên
Trong giai đoạn bà Marie Donnadieu làm hiệu trưởng, trường có 5 dãy với 7 lớp học, mỗi lớp từ 30 – 32 học sinh. Trong đó, dãy thứ 4 dùng để dạy nữ công gia chánh và giặt ủi. Năm 1930, trường đổi tên thành L’École Primaire de Jeunes Filles de Sadec. Năm 1932, sau khi bà Marie Donnadieu về nước thì một người Việt là ông Trần Văn Kiết làm hiệu trưởng, bấy giờ trường mang tên là “Nữ Học đường tỉnh lỵ”. Năm 1940, do số lượng học sinh ngày càng tăng nên các phòng dạy nữ công gia chánh và giặt ủi được tận dụng để làm lớp học nhưng cũng không đáp ứng đủ. Vì vậy, học sinh lớp nhì và lớp nhất được gửi sang Trường Nam tiểu học (nay là Trường Kim Đồng) học tạm.
Năm 1945, ông Kiết chuyển về Sài Gòn làm chánh thanh tra, ông Nguyễn Văn Lành làm hiệu trưởng. Bấy giờ, Trường Nam tiểu học cũng rất đông, một số lớp phải dời sang Trường Dục Quang để học. Trường Dục Quang ban đầu là Quảng Triều công sở của cộng đồng người Hoa tại Sa Đéc lập năm 1890. Cơ sở này về sau được xây dựng lại và đổi tên là Trường Quang Minh rồi được sáp nhập với Trường tiểu học Trưng Vương vào năm 1999.
Năm 1957, dưới thời Hiệu trưởng Lê Thị Nữ, trường mang tên Nữ tiểu học Sa Đéc và thu nhận học sinh toàn nữ với 16 lớp học. Đến năm 1970, trường đổi tên là Nữ tiểu học cộng đồng và mở rộng đến 30 lớp học với hơn 1.800 học sinh.
Năm học 1978 – 1979, Trường Nữ tiểu học được sáp nhập với các trường trong khu vực và lấy tên chung là Trường PTCS cấp 2, 3 Vĩnh Phước với 3 điểm, 93 lớp học. Đến năm học 1982 – 1983, lại tách ra và mang tên PTCS cấp 1 Trưng Vương với 30 lớp học. Hiện tại, Trường tiểu học Trưng Vương có 28 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5 tính cả hai cơ sở, cô Thiện Hạnh cho biết.
Nhớ thời dạy tiếng Pháp
Từ sau khi bộ phim Người tình ra đời, cùng với ngôi nhà xưa của ông Huỳnh Thủy Lê, Trường tiểu học Trưng Vương trở thành điểm đến của du khách ngoại quốc, nhất là những năm 2002 đến 2005 số lượng khách thăm trường rất đông. Họ đến trường tham quan để chiêm nghiệm thêm những gì trong quyển L’Amant và phim Người tình mô tả. Cô Lao Thị Tư cho biết hồi năm 2006, nhà văn Yann Andréa, người tình cuối cùng của nữ sĩ Marguerite Duras, đã đến thăm trường cũng với lý do tìm về nơi bà Marie Donnadieu từng sống, làm việc và tìm hiểu về ngôi trường nữ văn sĩ Marguerite Duras từng học thuở thiếu thời… Hiện nay, khách tham quan thưa hơn trước, nhưng thứ tư tuần nào cũng có vài đoàn khách nước ngoài ghé lại trường theo tour du lịch.
Năm 1994, Trường tiểu học Trưng Vương thực hiện lớp học tiếng Pháp tăng cường cho học sinh tiểu học và là lớp thí điểm đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp. Cô Lao Thị Tư cho biết với chương trình này cô đã được mời sang Pháp tập huấn giảng dạy. Khi đó, toàn trường có 4 giáo viên tiếng Pháp, niên khóa 2001 – 2002 phát triển được 5 lớp với 137 học sinh. Tuy nhiên, đến năm 2016, các lớp dạy tiếng Pháp chấm dứt.
Theo cô Tư, việc ngưng chương trình có nhiều lý do, trong đó có lý do hội của người Pháp không tiếp tục tài trợ sách vở và phương tiện dạy học… và rồi chính quyền địa phương cũng không mặn mà nữa. Các giáo viên tiếng Pháp phải học lại chương trình giáo dục tiểu học để chuyển sang dạy tiếng Việt, chỉ có một cô chuyển sang dạy tiếng Anh.
Cô Hạnh cho biết, lúc còn dạy tiếng Pháp, trường có nhiều hoạt động giao lưu với các trường dạy tiếng Pháp ở các tỉnh trong vùng và kết nghĩa với trường tiểu học bên Pháp… Bây giờ, giáo viên tiếng Pháp chỉ còn sử dụng kỹ năng của mình để tiếp chuyện với du khách nước ngoài, những người đến từ các quốc gia trong cộng đồng Pháp ngữ. (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/ngoi-truong-mang-dau-an-nu-si-marguerite-duras-185250112220054374.htm