Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững thực hiện hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị, 40 hộ dân thuộc diện nghèo, cận nghèo ở huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) được nhận miễn phí 3.320 cây giống sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi trị giá gần 1 tỷ đồng để phát triển kinh tế.
Nằm trong các chương trình, giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững thực hiện hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị, chiều 11/2, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tu Mơ Rông phối hợp với UBND xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông) tổ chức cấp phát miễn phí 3.320 cây giống sâm Ngọc Linh cho 40 hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát giống sâm Ngọc Linh miễn phí cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Các hộ được cấp giống sâm Ngọc Linh thuộc 2 xã Đăk Na và Văn Xuôi, trong đó, có 35 hộ ở xã Đăk Na, 5 hộ ở xã Văn Xuôi. Sâm được cấp là sâm giống 1 năm tuổi, không mắc bệnh; đang sinh trưởng, phát triển tốt. Sâm cấp miễn phí cho dân trị giá gần 1 tỷ đồng, từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững thực hiện hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị.
Ngay sau khi nhận sâm, cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tu Mơ Rông và UBND xã Đăk Na đã cùng người dân lên các khu rừng già được quy hoạch trồng sâm để xuống giống. Tại đây, người dân được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc để sâm sinh trưởng, phát triển tốt.
Số sâm Ngọc Linh giống trị giá gần 1 tỷ đồng.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, tại địa phương, sâm Ngọc Linh được xác định là loại cây giúp dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn và hỗ trợ, huyện đã tổ cấp phát sâm Ngọc Linh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để phát triển kinh tế. Nhờ đó, người dân đã xây dựng được các vườn sâm Ngọc Linh quý, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.
Thống kê sơ bộ cho thấy, trong 5 năm qua, cây sâm Ngọc Linh đã góp phần xóa gần 2.000 hộ nghèo; giúp hàng trăm hộ đã làm giàu, cá biệt có hộ thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Cây sâm Ngọc Linh đã góp phần thay đổi nhận thức quan trọng của người dân nơi đây từ tư duy trông chờ ỷ lại sang tư duy chủ động đầu tư phát triển kinh tế, cụ thể là đầu tư phát triển cây sâm thông qua nguồn vốn tự có, vốn vay với hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài ra, cây sâm cũng giúp người dân thay đổi từ tư duy phá rừng sang trồng rừng để từ đó có hàng trăm héc-ta rừng được người dân trồng mỗi năm, tạo hệ sinh thái bảo vệ vùng đệm của cây sâm gắn với phát triển du lịch.
"Việc các đơn vị của huyện hỗ trợ sâm giống cho 40 hộ dân đợt này nhằm mục đích giúp bà con đồng bào Xơ Đăng có thêm sinh kế để phát triển kinh tế, qua đó giúp nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Huyện sẽ cử cán bộ giúp dân cùng chăm sóc để sâm đạt tỷ lệ sống cao, sớm nhân rộng và có nguồn thu từ vườn sâm này", ông Mạnh nói.
Để biến quốc bảo sâm Ngọc Linh thành quốc kế dân sinh, UBND huyện Tu Mơ Rông cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Kon Tum có giải pháp nhằm bảo vệ và nâng tầm cho thương hiệu sâm.
Ngành chức năng tăng cường bảo vệ và đấu tranh chống nạn trục lợi từ thương hiệu sâm Ngọc Linh, mua bán sâm giả.
Người dân, doanh nghiệp vừa phát triển sâm vừa kết hợp với phát triển kinh tế du lịch. Đưa các sản phẩm đa dạng từ sâm chế biến ra thị trường, đến gần với tay người tiêu dùng.
Hiện nay, để tránh tình trạng sâm Ngọc Linh giả trà trộn, các địa phương đang áp dụng việc lập hồ sơ vườn sâm với từng doanh nghiệp và người dân. Số lượng từng doanh nghiệp, từng hộ dân trồng sâm và số lượng từng cây sâm được báo cáo, lập bản đồ, đánh dấu để dễ dàng kiểm tra số cây sâm, số năm tuổi cũng như chất lượng. Cùng với đó, một số doanh nghiệp đã áp dụng giải pháp công nghệ định danh, gắn chip trên củ sâm Ngọc Linh.
Nguồn: https://danviet.vn/mot-huyen-kho-khan-o-kon-tum-cap-mien-phi-gan-1-ty-dong-sam-giong-ngoc-linh-cho-ho-ngheo-phat-trien-kinh-te-20250211214934475.htm
Bình luận (0)