Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cho thấy, công tác thi, kiểm tra đánh giá được xác định là khâu quan trọng, có tính đột phá trong hoạt động đổi mới chương trình giáo dục phổ thông có tác động tích cực đến chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Trong báo cáo đánh giá, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập trung chỉ đạo, triển khai một số đề tài nghiên cứu;
Sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm về đánh giá chất lượng giáo dục, ban hành hệ thống quy chế, công văn hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà trường, giáo viên trong thực hiện đổi mới đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực.
Việc đánh giá học sinh cũng chuyển dần từ tập trung vào kết quả và xếp loại học sinh theo chuẩn kiến thức sang xem xét quá trình học tập, đánh giá sự tiến bộ, khả năng và phẩm chất của học sinh một cách toàn diện.
Hình thức đánh giá đa dạng hơn; kết hợp giữa đánh giá quá trình, đánh giá tổng kết, có sự tham gia đánh giá từ nhiều bên (tự đánh giá, bạn đánh giá, giáo viên đánh giá, phụ huynh và xã hội đánh giá).
Kết quả giám sát tại các địa phương cho thấy sự quyết tâm của các cơ sở giáo dục và đội ngũ nhà giáo trong đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục, bảo đảm tính đồng bộ, dần vào nền nếp, tạo hiệu ứng tốt.
Việc tổ chức thi, kiểm tra đã được chuyển dần từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học; đo lường được sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập và mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục, bảo đảm độ tin cậy, công bằng, khách quan.
Về đổi mới phương thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, ban hành quy chế và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để kịp thời tổ chức các kỳ thi trong từng năm học .
Các văn bản quy định rõ khung pháp lý, hướng dẫn quy trình tổ chức thực hiện, có điều chỉnh qua từng năm, tạo sự thống nhất cao trong tổ chức thực hiện.
“Trong giai đoạn từ 2016 đến nay, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được thực hiện theo lộ trình, điều chỉnh theo giai đoạn và hằng năm.
Hình thức thi từng bước chuyển từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực . Tuy có xảy ra sai phạm trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 tại một số địa phương, nhưng phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia nhìn chung ổn định, phản ánh trung thực chất lượng dạy học.
Kết quả thi dùng làm cơ sở để tuyển sinh đại học, cao đẳng. Từ năm 2025, học sinh sẽ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018” – trong báo cáo nêu.
Cũng theo báo cáo giám sát của Quốc hội, việc đổi mới phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá có một số bất cập, hạn chế như đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục chưa theo kịp yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đây là nhiệm vụ khó, có sự tác động lớn, nhưng công tác chuẩn bị thiếu tính tổng thể, chưa đồng bộ, điều kiện bảo đảm chưa đáp ứng; hệ thống tài liệu, công cụ thi, kiểm tra, đánh giá chưa đầy đủ, thiếu tính hệ thống dẫn tới lúng túng trong tổ chức thực hiện.
Các văn bản hướng dẫn về công tác kiểm tra, đánh giá còn mang tính lý thuyết, thiếu những chỉ dẫn cụ thể cho giáo viên trong việc thiết kế, xây dựng công cụ đánh giá năng lực; nội dung tập huấn giáo viên chủ yếu tập trung thiết kế ma trận, đề thi, viết câu hỏi trắc nghiệm hướng tới các mục tiêu về nhận thức mà chưa gắn kết năng lực, đặc biệt là những năng lực đặc thù của môn học.
Một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh nhận thức chưa đầy đủ về đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá; năng lực áp dụng các kỹ thuật và phương pháp đánh giá mới còn hạn chế; chưa có đội ngũ chuyên nghiệp về hoạt động đánh giá chất lượng giáo dục.
Hình thức thi trắc nghiệm chưa nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là với môn Toán; chất lượng đề thi chưa giúp chọn được học sinh có năng lực; điểm thi có thể chưa phản ánh đúng năng lực thực chất của thí sinh; nặng về kiểm tra kiến thức thay vì định hướng hỗ trợ phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Việc thi, kiểm tra, đánh giá năng lực đối với các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý cấp trung học cơ sở ở một số cơ sở giáo dục còn gặp khó khăn, chủ yếu là ghép cơ học giữa các phân môn khi giáo viên được bố trí dạy đơn môn.
Việc xây dựng chính sách thi tốt nghiệp trung học phổ thông bộc lộ nhiều bất cập: Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được điều chỉnh theo từng năm, mỗi năm ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn riêng (thường gồm 1 Thông tư, 1 công văn), cho thấy sự thiếu ổn định về chính sách, làm cho các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh thường xuyên bị động.
Đề án “Đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020” (năm 2018) vừa ban hành đã phải thu hồi thể hiện sự lúng túng trong quá trình chuẩn bị và thực hiện.
Việc chậm ban hành hướng dẫn về phương thức và nội dung thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sau năm 2025 là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho học sinh trong việc chọn tổ hợp môn học.
Đội ngũ giáo viên lúng túng trong việc điều chỉnh cách dạy học, phương thức thi, kiểm tra đánh giá đối với lớp 10 năm học 2022-2023; ảnh hưởng tới chiến lược tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng.