Có những cách học tốt không cần thuộc lòng
Em vừa xong kiểm tra cuối kỳ 2 của lớp 11. Là học sinh ở mức khá tốt trong lớp, bản thân em cảm thấy mình chăm chỉ nên có được kết quả học tập và rèn luyện như thế. Em vẫn cảm thấy nếu bản thân mình không tiếp tục chịu khó học tập, tự học tích cực, không học chăm hơn, linh hoạt hơn, sáng tạo hơn, để mình tiến bộ hơn chính mình thì em sẽ tụt hậu.
Em biết có bạn trí nhớ rất tốt và khả năng tư duy nhạy bén nên tiếp thu bài học nhanh. Còn nhớ một bạn học THCS của em, bạn ấy luôn đứng trong tốp đầu của lớp, khi đi thi thường được điểm cao nhờ tiếp thu kiến thức hầu hết ngay trên lớp và hiểu nhanh, vận dụng tốt bài giảng của thầy cô.
Một lần kiểm tra miệng môn tiếng Anh, cô giáo gọi bạn bất chợt thế mà bạn lên bảng trình bày phải đúng hơn 80% bài viết đó. Đến cô giáo cũng bất ngờ vì bài đó khá dài. Em hỏi bí kíp, bạn cho biết, một phần nội dung câu hỏi của cô, bạn đã tự học theo chương trình trên YouTube, phần hỏi “xoay”, bạn trả lời được nhờ nghe nhạc tiếng Anh.
Các bạn nam lớp em hiện nay khá nhạy bén, tiếp thu bài ngay trên lớp, những môn đòi hỏi vận dụng nhiều, các bạn tuy phân tích nhanh, nhưng điểm số vẫn bị khống chế do chủ quan không học lý thuyết. Đó cũng là điều đáng tiếc nhưng lực học các bạn ấy cũng khiến em phải “dè chừng”.
Động cơ học tập không chỉ vì thi, vì những kỳ kiểm tra theo quy định có thể sẽ là biện pháp tích cực xây dựng việc học thật.
Kỳ thi chỉ là đánh giá tương đối
Bản thân em cảm thấy khá khó khăn trong việc chọn khối thi đại học vì điểm số trong các bài kiểm tra chỉ là tương đối, và em thật sự khá mông lung về nó.
Các kỳ kiểm tra có ý nghĩa quan trọng để tổng hợp và củng cố kiến thức nhưng sau khi kiểm tra xong thường học sinh lại quên nhanh và không áp dụng kiến thức đã học vào thực tế. Có lẽ do học sinh ít được trải nghiệm mà chỉ được học…”chay”.
Em đọc và được biết đất nước Phần Lan có nền giáo dục phát triển nhờ một phần không nhỏ vì chỉ có kỳ thi cuối năm lớp 12. Điều này không làm giảm đi chất lượng học hành. Phải chăng vì không có các kỳ kiểm tra thường xuyên, định kỳ nên giải tỏa áp lực cho học sinh? Động cơ học tập không chỉ vì thi, vì những kỳ kiểm tra theo quy định có thể sẽ là biện pháp tích cực xây dựng việc học thật.
Em hiểu, rất khó để thay đổi, nhưng đến một giai đoạn nào đó ta cần phải tiếp thu tinh hoa giáo dục nhân loại và có những sửa đổi phù hợp, hành trình đó, em biết, đang được thực hiện bằng triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Tại sao kỳ thi chỉ là đánh giá tương đối? Bởi vì có những bạn học rất tốt, đạt điểm cao, vô cùng xứng đáng song áp lực thi cử hoặc sai sót không đáng có thể dẫn đến điểm không như mong muốn. Hay có bạn “học tủ”, lại thi điểm cao do may mắn. Như vậy “Học tài thi phận” vẫn ngự trị thời 4.0.
Em ước gì các buổi học trên lớp, số lần kiểm tra sẽ được giảm, hạn chế đánh giá học sinh bằng điểm số, thay vào đó, tổ chức các buổi trải nghiệm ngoài thực tế như, học cách sinh tồn khi gặp hiểm nguy… “Áp lực tạo nên kim cương” nhưng chúng ta cũng không phủ nhận áp lực sẽ dẫn đến hội chứng tâm lý tiêu cực. “Bệnh” đó có căn nguyên từ áp lực điểm số, từ ba mẹ, thầy cô đặt kỳ vọng lớn, bị so sánh từ mọi người xung quanh.
Em nghĩ gia đình, thầy cô không nên đặt nặng về vấn đề điểm số, hãy khuyến khích con em cố gắng, tạo động lực cho các bạn, những buổi đi chơi biển, đi dã ngoại, dành nhiều thời gian để hiểu hơn về con cái.
Hè về rồi đó, em mong được học bơi, đọc sách, xem phim, rèn kỹ năng sống, chuẩn bị khởi nghiệp. Xin đừng vội đưa chúng em đến các lớp học thêm… 24/7, để một ngày nào đó, người lớn và trẻ con bây giờ tiếc nuối “ai chở mùa hè của tôi đi đâu”.
Hãy để chúng em đi bằng đôi chân, trái tim và cách thiết kế của riêng mình.
* Tác giả là học sinh lớp 11 Trường THPT Bảo Lộc, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng
Hãy chia sẻ mong ước của bạn
Chúng tôi nhận được bài viết của Thanh Thư từ một giáo viên của em, người thường viết cộng tác bài giáo dục với Báo Thanh Niên. Đây quả thật không chỉ là mong muốn của riêng Thanh Thư mà của biết bao học sinh đang ngày đêm dành toàn bộ tâm sức cho việc học để đi thi, từ kiểm tra định kỳ đến các kỳ thi tuyển. Kỳ thi nào cũng áp lực nặng nề vì tất cả cuối cùng đều quy về điểm số để đánh giá. Mong ước việc học nhẹ nhàng hơn với những kiến thức được tích lũy và khắc ghi không phải từ việc “học gạo”, “học tủ” của học sinh này đáng được các cấp quản lý giáo dục, thầy cô, nhà trường và phụ huynh suy nghĩ và có những đổi thay mạnh mẽ để thật sự giúp các em “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Trên tinh thần này, Báo Thanh Niên mong muốn tiếp tục nhận được những bài viết, chia sẻ, mong ước của bạn đọc về các vấn đề giáo dục khi một năm học sắp kết thúc và một mùa hè sôi động đang đến với hy vọng năm học tới sẽ có những thay đổi.
Bài viết xin vui lòng gửi về: [email protected]. Bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút theo quy định. Trân trọng cảm ơn.