Các nhiệm vụ này bao quát, đúng và trúng, vừa tạo đà giải quyết những vấn đề lâu dài, vừa tập trung xử lý những vấn đề nổi cộm của giáo dục. Là nhà giáo, tôi rất tâm đắc với 10 nhiệm vụ trọng tâm mà người đứng đầu ngành giáo dục đề ra. Nhân đây, tôi xin có 5 kiến nghị với ngành giáo dục.
Đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường
Để đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường, đội ngũ giáo giới cần rèn đức tính trung thực, xây dựng niềm tin, kỷ cương.
Trung thực trong dạy và học, kiểm tra, thi cử, thi đua, khen thưởng, thu chi tài chính… là điểm tựa cho mỗi cơ sở giáo dục đổi mới, xây dựng trường học hạnh phúc. Đây cũng là sợi dây liên kết, truyền năng lượng tích cực giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với học sinh, giữa giáo viên với phụ huynh, giữa giáo viên với lãnh đạo nhà trường. Từ đó, tất cả cùng làm việc bằng sự thấu hiểu. Trung thực là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, cơ hội của mọi cơ hội làm cho trường học tiến bộ, nhân văn.
Tạo dựng, duy trì niềm tin là việc khó nhưng nhà trường có niềm tin là có tất cả. Sự nêu gương của đội ngũ lãnh đạo, của thầy cô giáo là ngọn lửa thắp sáng niềm tin cho mỗi thành viên trong trường học.
Mẫu mực, trong sáng, chính trực của đội ngũ giáo giới là cách thức tốt nhất xây dựng niềm tin.
Trường học phải kỷ cương từ việc nhỏ và phải thực hiện thường xuyên; có dõi theo, đánh giá, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Nhiều việc nhỏ ngay ngắn được giáo viên, nhân viên, học sinh có thói quen thực hiện, chắc chắn tạo chuyển biến lớn theo quỹ đạo của trường học kỷ cương, tình thương, trách nhiệm.
Phát triển năng lực giáo viên
Năng lực giáo viên được hình thành từ trường sư phạm, thông qua bồi dưỡng tại đơn vị, tự rèn luyện của mỗi người, tác động của môi trường (nhà trường, gia đình, khu dân cư…). Năng lực, tinh thần trách nhiệm, yêu người, yêu nghề tạo nên giáo viên nhân dân.
Trong khoảng 10 năm tới, ngành giáo dục cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các nội dung trọng tâm như: sự thấu cảm, hợp tác, ứng dụng công nghệ thông tin, tư vấn tâm lý học đường, kỹ năng giao tiếp (ở trường, gia đình, mạng xã hội), sử dụng tiếng Anh. Ngành giáo dục đồng thời hướng dẫn thầy cô chăm lo sức khỏe, tinh thần, định kỳ khám sức khỏe giáo viên.
Đổi mới quản trị trường học
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đổi mới quản trị trường học cần lấy dân chủ làm phương châm, lấy hạnh phúc học sinh làm thước đo, lấy sự hài lòng giáo viên làm động lực, lấy lợi ích chính đáng của phụ huynh làm nền tảng.
Từ đó, tùy vào hoàn cảnh, với hướng dẫn từ cấp trên, mỗi trường xây dựng kế hoạch quản trị theo tinh thần đổi mới gắn với quá trình thiết kế, triển khai kế hoạch giáo dục. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng làm đầu tàu, còn phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT xây dựng đường ray, để đoàn tàu đổi mới quản trị trường học theo lộ trình hoạch định. Minh bạch, công khai, công bằng, lắng nghe, chấp nhận phản biện để đi đến sự thống nhất là định hướng mà đổi mới quản trị trường học cần bám sát.
Giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển nhưng chưa được thực hiện đồng bộ, đồng pha. Vì thế, bức tranh giáo dục vẫn còn gam màu tối, chậm phát triển, kéo theo nguồn lực con người vừa thừa, vừa thiếu, một bộ phận yếu cả về chuyên môn lẫn phẩm cách. Đầu tư cho giáo dục là chân lý tuyệt đối, đòi hỏi ngành giáo dục cụ thể hóa mạnh mẽ.
Đổi mới kiểm tra, đánh giá gắn với chuyển đổi số
Đây là mục tiêu quan trọng khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trí tuệ nhân tạo phát triển đòi hỏi đổi mới kiểm tra, đánh giá sao phù hợp, đồng bộ với định hướng chuyển đổi số của ngành giáo dục và để không gây lãng phí nguồn lực xã hội, bảo đảm học thật, thi thật, nhân tài thật.