Món ăn vặt tại khu phố cổ Hà Nội được tạo hình như cây nấm mọc trên mặt đất, thu hút nhiều trẻ người tò mò đến thưởng thức
Mở bán được gần hai năm, quán trà sữa của chị Thu Huyền, 33 tuổi, ở phố Hàng Vải, quận Hoàn Kiếm, hút khách với một số món ăn vặt được nhiều người yêu thích như milo dầm, xiên cốc hình bông hoa, trà sữa nướng Vân Nam.
Một tuần trước, quán mở bán món cacao nấm (milo nấm) và nhanh chóng thu hút thực khách bởi vẻ ngoài lạ mắt, giống một cây nấm mọc lên từ mặt đất.
Khi tham khảo một số hình ảnh về cây nấm trên Internet, chị Huyền nảy ra ý tưởng kết hợp với món cacao dầm bán chạy của quán để làm ra một “món ăn vặt dễ thương”.
Cacao nấm được đựng trong một chiếc xửng hấp bằng tre, đường kính khoảng 15 cm. Dưới đáy xửng lót một lớp giấy bóng giúp giữ vệ sinh.
Ở công đoạn đầu tiên, nhân viên làm đá bào, lót ở dưới cùng xửng hấp, sau đó rải lên trên một lớp sữa đặc tạo độ ngọt cho món ăn.
Bột cacao là nguyên liệu chính trong món ăn vặt này. Mỗi xửng, nhân viên cho hai gói bột cacao đã được pha trộn, khoảng 40 gram, sau đó dùng thìa trải đều lên mặt lớp sữa đặc màu trắng ngà.
Lớp bột cuối cùng để hoàn thiện phần bề mặt được làm từ bánh quy kẹp kem. Sau khi dùng dao loại bỏ phần kem ở giữa, nhân viên cho phần vỏ bánh quy màu đen vào máy xay nhỏ thành bột. Phần đế được hoàn thiện với 4 lớp đá bào, sữa đặc, bột cacao và bột bánh quy.
Công đoạn cuối cùng là tạo hình cây nấm. Cây nấm được tạo thành từ hai phần pudding có kết cấu, hình dáng và màu sắc khác nhau.
Chân nấm màu trắng, hình trụ, bên dưới xòe rộng. Phần chân nấm đặc hơn so với phần mũ để cây nấm đứng vững.
Phần mũ nấm màu nâu, cũng là pudding nhưng kết cấu lỏng hơn so với chân nấm. Cả phần chân và mũ nấm đều được tạo hình trong khuôn silicon giúp quá trình lấy ra dễ dàng, giữ được hình dáng.
Chân nấm và mũ nấm gắn với nhau bởi một chiếc xiên tre nhỏ dài khoảng 7 cm. Quá trình gắn đòi hỏi sự khéo léo bởi pudding là thạch dẻo dễ bị rơi, nứt vỡ, chị Huyền cho biết.
Với hình thức tựa như một cây nấm mọc lên từ mặt đất, cacao nấm thu hút sự tò mò của nhiều thực khách. Nhiều người thấy thích thú gọi ăn thử và chụp ảnh chia sẻ lên mạng xã hội, khiến nhiều khách khác cũng tìm đến. Thực khách cũng thích dùng thìa gõ vào mũ nấm, nhìn cây nấm “rung rinh” mà không bị đổ.
Nhìn thấy món mới trên mạng xã hội, Diễm Quỳnh, 21 tuổi và Minh Tuấn, 20 tuổi, đến quán vào ngày 13/2 và phải chờ một tiếng để thưởng thức milo nấm. Theo Quỳnh, điểm cộng của món ăn nằm ở hình thức “ngộ nghĩnh” và giá cả phải chăng, 35.000 đồng một phần.
“Vừa cắt, miếng pudding lăn xuống dưới, vụn bánh bám vào, ăn vừa mềm vừa giòn khá vui miệng”, Quỳnh cho biết. Tuy nhiên, món ăn ngọt, nhanh ngán. Quỳnh khuyên nếu đi hai người nên gọi một suất và có thể gọi thêm nước hoặc trà hoa quả ăn kèm.
Trung bình một ngày, quán chị Huyền bán được khoảng 300 – 400 xửng cacao nấm. Do kết cấu của pudding lỏng lẻo, quán chỉ nhận bán tại chỗ, không bán online.
Quán chỉ có không gian ngoài trời, xếp được khoảng 6 bàn, đón tiếp khoảng 30 khách cùng lúc.
Quán mở bán từ 9h đến 0h, với 4 nhân viên phục vụ, trong đó 2 người phụ trách làm cacao nấm trong quầy và hai người nấu trà sữa trên bếp than đặt trước cửa quán.
Là món ăn vặt đang nổi, nhiều thực khách đến quán phải đứng chờ khá lâu để được phục vụ. Theo chị Huyền, các khay thạch để làm cây nấm mất khoảng 4- 6 tiếng để đông lạnh. Khi khách gọi món, nhân viên mới bắt đầu làm các khâu bào đá, pha bột vì nếu chuẩn bị sẵn, lớp đá bào dưới cùng sẽ bị tan chảy, không đảm bảo hương vị món ăn.
Quán không có chỗ để xe máy cố định, thực khách có thể gửi xe ở một số nhà dân cách quán khoảng 10 m với giá 5.000 đồng một xe.