Mỗi cán bộ, công chức, viên chức chỉ có 1 dữ liệu duy nhất với một mã số duy nhất đến suốt đời, kể cả khi họ về hưu, chuyển công tác,…
Sau hơn nửa năm đi vào hoạt động, cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đã gặt hái được một số kết quả bước đầu. PV VietNamNet phỏng vấn ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ về nội dung này.
Minh bạch chuyện sử dụng biên chế
Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức được đưa vào vận hành từ cuối tháng 12/2022 đến thời điểm này đã hoạt động ra sao, thưa ông?
Chúng tôi rất mừng khi chỉ sau 6 tháng vận hành và sau 2 năm triển khai quyết liệt với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, tính đến thời điểm 24h ngày 30/6/2023, 100% bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức (33 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố). Trong đó có 54 bộ, ngành, địa phương đã đồng bộ 100% dữ liệu.
Tổng số dữ liệu được đồng bộ đạt 2.073.460 hồ sơ (trong đó bộ, ngành là 125.746 hồ sơ; địa phương là 1.947.714 hồ sơ).
Ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ
|
Ngoài ra, chúng tôi đã triển khai hạ tầng truyền dẫn để kết nối từ bộ, ngành, địa phương đến Trung ương và thống nhất phương án, hỗ trợ khai thác trên mạng truyền số liệu chuyên dùng cho người dùng cuối (end-user) tại các bộ, ngành, địa phương để truy cập, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.
Chúng tôi đã làm việc với Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện kết nối giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức ở cấp cơ sở đến Bộ Nội vụ trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP). Đồng thời thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa dữ liệu quốc gia ở cấp cơ sở với cơ sở dữ liệu Bộ Nội vụ quản lý.
Bộ Nội vụ đã xây dựng, ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn các đơn vị cung cấp phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức cho các bộ, ngành, địa phương; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quản trị hệ thống và thực hiện nhiệm vụ cập nhật, bổ sung, khai thác, sử dụng dữ liệu thông tin trên phạm vi toàn quốc…
Mỗi công chức có một tài khoản đăng nhập vào để xác thực thông tin của mình đầy đủ, chính xác. Sau đó, dữ liệu mới được đẩy lên bộ phận làm công tác tổ chức để kiểm tra, thẩm định và phê duyệt rồi mới đưa vào hệ thống cơ sở dữ liệu của quốc gia.
Khi cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức được cập nhật đầy đủ và kết nối 100% sẽ hỗ trợ cho công tác quản lý cán bộ nói chung cũng như việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức như thế nào?
Cơ sở dữ liệu này sẽ giúp cho công tác quản lý cán bộ rất là nhiều. Chúng ta có thể thống kê chính xác theo thời gian thực ở từng bộ ngành, địa phương có bao nhiêu công chức, người lao động; trình độ học vấn, độ tuổi,… của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như thế nào.
Từ đó có thể giúp cho quy trình làm nhân sự được thuận tiện và nhanh chóng hơn như việc tìm kiếm, đối chiếu thông tin để tìm người đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm.
Ngoài ra, với hệ thống thông tin đầy đủ như vậy sẽ hỗ trợ cho việc xếp lương, nâng lương của cán bộ, công chức, viên chức được thuận tiện. Hệ thống sẽ thông báo cho chúng ta biết những nhân sự nào đến hạn nâng lương mà không mất thời gian tìm kiếm, không bị nhầm lẫn hoặc sót lọt.
Tôi nghĩ điều quan trọng hơn nữa là, qua cơ sở dữ liệu này việc sử dụng biên chế sẽ được minh bạch, tránh tình trạng báo cáo một đằng số liệu thực một nẻo. Vì có con người thực nhập vào máy mới có số liệu. Nếu số biên chế được giao chưa tuyển dụng kịp thời sẽ không được cập nhật vào hệ thống.
Như vậy sẽ thấy rõ được giữa con số được giao và con số tuyển dụng rất là minh bạch. Các bộ ngành, địa phương không thể báo cáo khác được. Qua đó giúp cho cơ quan quản lý giám sát được.
Một điểm đáng chú ý nữa là khi hồ sơ nhân sự được tích hợp vào hệ thống dữ liệu thì các văn bằng chứng chỉ, các quyết định nhân sự cũng được cập nhật đầy đủ, giúp cho tổ chức quản lý tốt cán bộ hơn.
Ví dụ khi làm công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thì người làm tổ chức chỉ cần truy cập vào hệ thống sẽ thấy rõ các văn bằng chứng chỉ, các quyết định đã được xác thực điện tử, không cần phải tìm hồ sơ đi in sao ra mất rất nhiều thời gian, chi phí.
Tránh được tình trạng “so bó đũa chọn cột cờ”
Trước đây có một số trường hợp, trong quá trình làm quy trình nhân sự bị thất lạc hồ sơ, hoặc có trường hợp bổ nhiệm sai quy định (người bị kỷ luật vẫn bổ nhiệm) sau phải thu hồi quyết định. Theo ông, với cơ sở dữ liệu lần này có khắc phục tình trạng này?
Như tôi nói, một trong những vấn đề quan trọng khi có cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức là câu chuyện minh bạch thông tin. Với hệ thống dữ liệu này thì mỗi cán bộ, công chức, viên chức chỉ có một dữ liệu duy nhất, không trùng với ai. Đi kèm với đó là một mã số duy nhất theo họ đến suốt đời, kể cả khi họ về hưu hay chuyển công tác.
Chính vì dữ liệu được đưa lên hệ thống minh bạch như vậy, khi cán bộ được điều động, luân chuyển công tác thì dữ liệu đó cũng được chuyển trên hệ thống về cơ quan họ đến làm việc. Về mặt vật lý thì chúng tôi vẫn lưu dữ liệu đó ở “ngăn kéo” ví dụ như nghỉ hưu, luân chuyển… Cho nên sẽ không có tình trạng mất hay thất lạc hồ sơ.
Hơn nữa, trên hệ thống sẽ thể hiện rõ quá trình cán bộ đó đi từ đâu đến đâu, trong hồ sơ sẽ lưu trữ đầy đủ cả thành tích lẫn các lỗi, kỷ luật… Vì vậy, cán bộ có muốn giấu lỗi cũng không được.
Liệu cơ sở dữ liệu này có giúp cho cơ quan quản lý truy vết được trách nhiệm của những người liên quan trong trường hợp bổ nhiệm cán bộ có vấn đề?
Khi bổ nhiệm cán bộ có vấn đề, thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, cơ quan có thẩm quyền có thể vào hệ thống để xem ai thẩm định, ở khâu nào, rất là minh bạch. Trong hồ sơ của từng cán bộ, công chức, viên chức đều ghi lại lịch sử về việc chỉnh sửa, cập nhật thông tin, nếu ai chỉnh sửa thông tin sai sẽ phát hiện ra ngay.
Hơn nữa khi cán bộ, công chức, viên chức nhập dữ liệu của mình vào hệ thống đòi hỏi phải chính xác. Bản thân từng cán bộ, công chức ,viên chức phải chịu trách nhiệm về dữ liệu cá nhân của mình. Nếu khai sai giống như trước đây là khai man lý lịch thì đó là hành vi thiếu trung thực và sẽ bị xử lý theo quy định.
Là cơ quan thường xuyên thẩm định hồ sơ nhân sự để trình Thủ tướng quyết định, phê chuẩn nhân sự, theo ông cơ sở dữ liệu này sẽ hỗ trợ cho Bộ Nội vụ như thế nào?
Khi các địa phương hay bộ ngành gửi hồ sơ nhân sự về Bộ Nội vụ để thẩm định, nếu tờ trình thiếu thông tin gì thì chuyên viên của Bộ có thể vào hệ thống dữ liệu để truy xuất thông tin đối chiếu một cách chính xác. Việc này giúp cho người thẩm định hồ sơ nhân sự được nhanh chóng, kịp thời, tham mưu chính xác, tránh được tình trạng “so bó đũa chọn cột cờ”.
Ngoài ra, qua hệ thống dữ liệu chúng ta còn có thể thống kê các số liệu về cán bộ, công chức, viên chức chính xác. Qua đó có một bức tranh tổng thể về cán bộ, công chức, viên chức từ số lượng, cơ cấu nam nữ, trình độ, vùng miền để có những hoạch định chính sách phù hợp.
Còn hiện nay việc này hoàn toàn phụ thuộc vào số liệu các bộ ngành, tỉnh thành báo cáo rồi cộng lại nhiều khi không chính xác.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức là 1 trong 6 xa lộ thông tin quan trọng của Chính phủ. Đây cũng là cơ sở dữ liệu cốt lõi góp phần trong việc xây dựng Chính phủ điện tử.
Từ nay đến 31/12/2023, chúng tôi bước vào giai đoạn 2, rà soát đối chiếu để dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Trước mắt chúng tôi phải kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dùng mã định danh cá nhân của từng người để đối chiếu, đảm bảo độ chính xác của dữ liệu…
Theo VietNamNet
.