Giáo viên hãy xem học sinh như con của mình
Như một lẽ tự nhiên, bố mẹ ở nhà vẫn răn đe và dỗ dành con cái theo bản năng, dẫu đứa trẻ trước mặt có hư hỏng, đổ đốn đến thế nào đi chăng nữa, bậc sinh thành nào cũng sẵn lòng thứ tha, ôm ấp và bảo bọc núm ruột. Và phải chăng người thầy chưa thật sự xem học trò là những đứa con nhỏ để kiên nhẫn và bao dung, kiên trì và vị tha đối với lỗi lầm của sắp nhỏ?
Tuổi cắp sách đến trường được ví von “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Không phải thiếu ăn mà vẫn tìm cách hái trộm quả ổi, trái xoài rồi hỉ hả cười khoe nhau, chia nhau. Không phải đói bụng mà vẫn lén lút nhai miếng bánh, mút cái kẹo dưới gầm bàn và thon thót lo thầy cô phát hiện. Không phải “anh đại”, “chị đại” trong trường nhưng bất chợt một hôm nào đó gặp ánh mắt khiêu khích hay thái độ câng câng của bạn học bỗng “nổi máu anh hùng”, lao vào vật nhau…
Sự dại khờ của tuổi học trò, sự nhũng nhẵng của tuổi dậy thì, sự bồng bột của tuổi trẻ cần được người lớn chúng ta thấu hiểu và cảm thông. Đôi khi chính bọn trẻ cũng chẳng biết tại sao trong khoảnh khắc ấy, thời điểm kia, “máu nóng” lại dồn lên và lao vào đánh bạn, cãi chày cãi cối với giáo viên như thế. Trải qua giai đoạn khủng hoảng trong nhận thức và hành vi, tự nhiên trẻ sẽ phát hiện mình sai ở đâu, hành vi nào gây họa cho người khác… Quan trọng là chúng ta cho trẻ cơ hội nhận ra lỗi lầm, điều kiện để thay đổi và sửa sai.
Cuộc sống càng hiện đại, thế giới ảo càng rộng mở. Điều tốt lan tỏa chậm mà cái xấu thì trẻ dễ phơi nhiễm hơn nên trẻ cần hơn bao giờ hết sự quan tâm chất lượng từ mẹ cha để đồng hành cùng con khôn lớn an toàn. Và trẻ cần cả tấm lòng yêu thương, chia sẻ từ thầy cô để hỗ trợ, định hướng và dìu dắt trưởng thành một cách vững vàng.
“Nhân chi sơ, tính bản thiện”, không có đứa trẻ nào thật sự hư đốn, ương bướng, lì lợm, ngông cuồng mà không ẩn giấu một lý do đằng sau. Tính cách ấy, cách cư xử kia, thái độ thách thức nọ đều bắt nguồn từ những bất ổn sâu xa trong tâm trí trẻ, từ những khủng hoảng dữ dội trong tâm hồn trẻ và cả những tác động từ mái ấm gia đình tan vỡ, từ ánh mắt kỳ thị và dè bỉu của bạn đồng trang lứa…
Tiếp xúc với học sinh, lắng nghe câu chuyện đằng sau lời kể của phụ huynh hoặc giáo viên ở địa phương nơi công tác, chúng tôi bắt gặp vô số mảnh ghép buồn về sự thay đổi đột ngột theo chiều hướng xấu của một đứa trẻ, lý giải hành vi bất cần đời của các cô cậu học trò mà thương, xót và trăn trở không dứt.
Có cậu học sinh là lớp phó học tập gương mẫu bỗng trốn học đi bụi, bị mẹ kèm cặp vào tận cửa lớp thì ngồi gục trên bàn chẳng màng chuyện học hành. Đỉnh điểm, nam sinh ấy còn lên giọng nạt giáo viên rồi thản nhiên xách cặp ra khỏi lớp. Sau lời nhắc nhở và đe nẹt mà chẳng có chút tác dụng, tôi bắt gặp ánh mắt buồn hiu của em nhìn ra khung cửa.
Dò hỏi quanh lớp mới biết bố mẹ em vừa hoàn tất thủ tục ly hôn, em ở cùng mẹ và có vẻ như sự cay cú, oán hờn của người mẹ dành cho chồng biến thành lời dằn hắt, câu la ó suốt ngày trút xuống cậu con trai đang tuổi lớn. Tổ ấm tan vỡ, gia đình ly tán là một nỗi đau in hằn, giờ em sắp sửa sa lầy bởi cách ứng xử sai lầm của người lớn. Quyết định gặp gỡ người mẹ tâm sự như hai người bạn rồi tìm cơ hội chuyện trò với học sinh, nhờ thêm nhóm bạn thân trong lớp quan tâm vực dậy tinh thần là cách duy nhất tôi có thể giúp học trò của mình vượt dần qua cú sốc và trở thành sinh viên.
Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh
Có trường hợp khó nhằn hơn rất nhiều bởi tấm gương xấu của phụ huynh tác động đến hành vi bạo lực của trẻ. Tôi đã từng ngạc nhiên đến thảng thốt khi mỗi tuần một học sinh đều dính dáng đến việc đánh bạn này, gạt chân bạn kia, xô ngã bạn nọ. Nhận điện thoại của phụ huynh phản ánh về việc con em họ bị bắt nạt, tôi liên lạc với bố mẹ của em và được biết cảnh nhà éo le của một cậu học sinh có cá tính mạnh: Một người bố hay say xỉn, thường thượng cẳng chân hạ cẳng tay với con cái, còn người mẹ đã bỏ nhà đi cùng một người đàn ông trong xóm…
Hỏi han thêm các học sinh trong lớp, tôi biết được bọn trẻ hay dè bỉu bạn mình bằng cụm từ khó nghe: “con ông bợm rượu”, “hung thần phá làng phá xóm”… Tôi giật nảy mình vì cách bọn trẻ sử dụng từ ngữ chói tai ném về phía bạn bè. Trẻ không có lỗi trong câu chuyện của người lớn, nhưng cách hành xử vô tình và tàn nhẫn của đám đông xung quanh hoàn toàn có thể nhấn chìm một cá nhân xuống hố sâu của những sai lầm nối tiếp. Và tôi cố gắng nén cái tôi của mình xuống thay vì trách phạt căng thẳng trò như trước.
Những buổi lân la chuyện trò với cậu học sinh ấy diễn ra nhiều hơn, lời khen trò trồng cây, chăm sóc bồn hoa hay giao một vài việc quán xuyến tắt quạt, điện trong lớp cùng lời cảm ơn của tôi khiến giọng trò dịu lại. Giả vờ nhờ trò đến phòng Đội lấy sổ đầu bài, tôi nhắn nhủ các bạn trong lớp đồng cảm với hoàn cảnh của bạn, tránh tuyệt đối việc chê bai, dè bỉu và gây hiềm khích. Tôi còn nhờ phụ huynh của một số học sinh “đầu têu” khuyên nhủ, nhắc nhở con cái…
Dạy và dỗ một bạn nhỏ đang cố tỏ ra bất cần đời thật sự nhọc công. Nhưng khi giáo viên cho đi đủ tình yêu thương, sẽ nhận lại món quà quý giá của tình thầy nghĩa trò. Thay đổi điểm nhìn trước hành vi khác thường của trẻ, thấu hiểu nguyên nhân và tìm kiếm giải pháp uốn rèn tích cực hơn, biết đâu thầy cô sẽ cảm hóa được cô cậu học trò đang mỗi ngày khiến bạn đau đầu, nhức óc vì vi phạm liên tục nền nếp trường lớp… Thầy cô nên mở lòng để làm bạn với học trò.
Báo Thanh Niên mở diễn đàn “Ứng xử văn minh trong học đường”
Trước hành vi ứng xử gây xôn xao dư luận của học sinh và cô giáo tại lớp 7C Trường THCS Văn Phú (xã Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Thanh Niên Online mở diễn đàn: “Ứng xử văn minh trong học đường” với mong muốn nhận được những chia sẻ, trải nghiệm, khuyến nghị, ý kiến từ độc giả để có cái nhìn đầy đủ, toàn diện; giúp giáo viên, học sinh, phụ huynh có cách ứng xử văn minh, phù hợp trong môi trường học đường hiện nay.
Bạn đọc có thể gửi bài viết, ý kiến về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Những bài viết chọn đăng sẽ nhận được nhuận bút theo quy định. Cảm ơn bạn đọc tham gia diễn đàn “Ứng xử văn minh trong học đường”.