Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thầm lặng cán bộ, chiến sĩ Công binh trong rà phá bom mìn

Việt NamViệt Nam01/04/2025


Trong thời bình ngày nay, vẫn có những cuộc chiến thầm lặng trong thầm lặng, nguy hiểm trong nguy hiểm và gian khó của những người lính Công binh. Đó là cuộc chiến trong truy tìm những quả bom mìn, vật liệu nổ còn sót do chiến tranh để lại. Tại nơi biên ải Hà Giang, những người lính Công binh đang quyết tâm làm “sạch, an toàn” những mảnh đất bị ô nhiễm do bom mìn, vật liệu nổ để lại.

Những người lính Công binh thường được gọi là người “Đi trước, về sau” bởi nhiệm vụ, sự dấn thân và hy sinh thầm lặng của các anh

Tỉnh Hà Giang có trên 277 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979 đã lùi xa 46 năm, song cuộc chiến để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng, nhất là tình trạng bom mìn, vật liệu nổ vẫn còn sót lại nhiều. Toàn tỉnh có trên 85.000 ha đất bị ô nhiễm do bom mìn, vật liệu nổ tập trung chủ yếu ở tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc thuộc 7 huyện biên giới: Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quản Bạ, Yên Minh, Ðồng Văn và Mèo Vạc.

Ban Chỉ huy công trường rà phá bom mìn, vật liệu nổ Lữ đoàn 543, Quân khu 2 quán triệt đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đến các Đội

Những ngày cuối tháng 3, khi tiết trời ở biên cương Hà Giang vẫn vô cùng khắc nghiệt cùng sự hiểm trở, gai góc của địa hình. Đến thăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 543, Quân khu 2 thực hiện Dự án thành phần số 2 rà phá bom mìn, vật liệu nổ trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ. Sáng sớm bầu trời ở biên giới vẫn dày đặc sương mù, cái rét tháng 3 khiến người ta phải “thấu lạnh”. Xác định khi được tăng cường thực hiện nhiệm vụ tại đây, một địa bàn khắc nghiệt về khí hậu, hiểm trở về địa hình, phức tạp về tình hình bom mìn, vật liệu nổ, 100% các cán bộ, chiến sĩ Công binh đều có lập trường, tư tưởng kiên định, vững vàng và phát huy tối ưu chuyên môn, nghiệp vụ trong công việc.

 
Mỗi cán bộ, chiến sĩ thực hiện vụ rà phá bom mìn, vật liệu nổ cần sự tập trung cao độ trong công việc

Thượng úy Nguyễn Văn Hùng, Phó Chỉ huy trưởng công trường rà phá bom mìn, vật liệu nổ Lữ đoàn 543, Quân khu 2 cho biết: Đối với nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật liệu nổ trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn 543, Quân khu II luôn quan tâm, thường xuyên động viên, tạo điều kiện cho mỗi cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ. Trước khi trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ tại xã Cao Mã Pờ (Quản Bạ), Lữ đoàn 543 đã tổ chức cho toàn bộ lực lượng rà phá bom mìn lần này đi đào tạo, tập huấn tại trường Trung cấp kỹ thuật Công binh về nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật liệu nổ; trong quá trình huấn luyện các cán bộ, chiến sĩ nắm chắc về quy trình, thứ tự các bước trong rà phá. Đặc thù thực hiện nhiệm vụ tại vị trí có địa hình hết sức phức tạp và khó khăn, lực lượng chỉ huy thường xuyên theo dõi bám sát tình hình thực tiễn, hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ đảm bảo hiệu quả, an toàn; cán bộ có kinh nghiệm dày dặn sẽ tham gia công đoạn khó tại địa hình phức tạp; từ đó để các chiến sĩ có thể học tập và rút kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 543, Quân khu II tham gia rà phá bom mìn, vật liệu nổ tại xã biên giới Cao Mã Pờ (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang)

Xã Cao Mã Pờ (Quản Bạ) có trên 28 km đường biên giới tiếp giáp với huyện Ma ly pho, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Đây là vùng đất biên giới bị ảnh hưởng trực tiếp trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc (1979 - 1991). Qua khảo sát của lực lượng, tại 2 thôn biên giới Chín Chu Lìn và Vàng Chá Phìn, xã Cao Mã Pờ hiện còn khoảng 210 quả bom mìn, vật liệu nổ/ ha. Thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn tại đây có 15 đội rà phá vật cản của Lữ đoàn 543 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang. Băng qua các sườn núi đá dốc, trơn trượt, công tác rà phá, làm sạch vật cản tại đây là nhiệm vụ đầy thách thức, hiểm nguy. Song với từng người lính Công binh, dù khó khăn, gian khổ đến mấy họ vẫn miệt mài công việc với tinh thần nêu cao trách nhiệm, vì sự an toàn của người dân.

Chia sẻ về những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật liệu nổ tại địa bàn biên giới tỉnh Hà Giang. Thượng úy Cao Trần Tùng, Đội trưởng đội rà phá bom mìn, vật liệu nổ Lữ đoàn 543, Quân khu 2 cho hay: “Địa hình của các xã biên giới tại tỉnh Hà Giang hết sức phức tạp, có độ dốc lớn, khiến việc di chuyển và cơ động đến khu vực thực hiện nhiệm vụ hết sức khó khăn. Song, đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Công binh của đơn vị luôn cố gắng vượt qua khó khăn, chấp hành nghiêm các quy tắc an toàn, thứ tự các bước trong thực hiện rà phá bom mìn, vật liệu nổ; các đồng chí cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm sâu tích cực hướng dẫn cho cán bộ, chiến sĩ mới để đảm bảo an toàn và hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Việc truy tìm, rà phá, thu gom, phân loại và xử lý bom mìn, vật liệu nổ được đơn vị thực hiện theo đúng quy định và tiêu chuẩn an toàn”.

Các đội tham gia rà phá bom mìn, vật liệu nổ được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ như mũ bảo hiểm, thiết bị dò máy. Quá trình làm nhiệm vụ được cán bộ, chiến sĩ thực hiện cẩn trọng, tập trung cao độ, lớp đi trước mở đường và lớp đi sau dò tìm tạo thành một khiên chắn bảo vệ an toàn cho cả đội. Bởi chỉ cần một sơ xuất nhỏ hoặc vài giây thiếu tập trung, thì có lẽ sẽ không còn cơ hội rút kinh nghiệm và phải đánh đổi bằng những mất mát, hy sinh về quân số.

Bên cạnh thực hiện chuyên môn, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mình phối hợp với lực lượng BĐBP Hà Giang và cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai công tác tuyên truyền, vận động người dân về những nguy hiểm do bom mìn, vật liệu nổ gây ra. Đồng thời, tạo điều kiện cho lực lượng rà phá bom mìn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, các đơn vị triển khai thực hiện tốt công tác hậu cần tại chỗ, gia cố lán trại, tăng gia sản xuất ngắn ngày để bảo đảm nguồn thực phẩm tươi, chăm lo sức khỏe cho bộ đội.

Với những người lính Công binh trong rà phá bom mìn, vật liệu nổ họ luôn mong rằng những mảnh đất nơi mà họ đi qua làm nhiệm vụ sẽ không còn tiếng nổ của bom đạn, để cho người dân thực sự an toàn khi phát triển kinh tế ở nơi đây. Lính Công binh thường được gọi là những người “Đi trước, về sau” bởi nhiệm vụ trọng trách được giao, sự dấn thân và hy sinh thầm lặng của các anh.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Hà Giang đã triển khai Dự án rà phá bom mìn, vật nổ, trong đó giai đoạn 1 đã huy động 8 đơn vị, với hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia, hoàn thành rà phá bom mìn, vật liệu nổ với diện tích trên 1.700 ha đất tại các điểm cao thuộc các xã Thanh Ðức, Thanh Thủy, Xín Chải thuộc huyện Vị Xuyên. Giai đoạn 2 của dự án đã và đang triển khai thực hiện dự kiến rà phá bom mìn, vật liệu nổ với diện tích trên 1.500 ha tại xã Minh Tân (Vị Xuyên) và xã Cao Mã Pờ, Tả Ván (huyện Quản Bạ).

Bài, ảnh: Hoàng Chính (Quản Bạ)



Nguồn: http://hagiangtv.vn/thoi-su-chinh-tri/202504/tham-lang-can-bo-chien-si-cong-binh-trong-ra-pha-bom-min-71e0841/

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm