Sau khi hoạt động trong một thập kỷ, B-36 “Peacemaker” là một trong những máy bay phi thường nhất từng cất cánh.
Được phát triển giữa Thế chiến II và triển khai vào những ngày đầu của Chiến tranh lạnh, B-36 là máy bay gắn động cơ piston lớn nhất sản xuất hàng loạt. Vượt xa mẫu B-29 “Superfortress” và cuối cùng bị thay thế bởi mẫu B-52 “Stratofortress” ấn tượng không kém, “Peacemaker” là một chiếc oanh tạc cơ có tuổi thọ ngắn ngủi, theo Interesting Engineering.
Dù Mỹ chưa bao giờ sử dụng B-36 trong các trận không kích, phương tiện được thiết kế như một máy bay ném bom hạt nhân chiến lược tầm cực xa. Với tải trọng tối đa 39.600 kg, B-36 có tầm hoạt động 16.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu.
Năm 1941, Quân đoàn Không lực Lục quân Mỹ yêu cầu chế tạo một máy bay ném bom chiến lược có thể bay quãng đường xuyên lục địa do lo ngại về độ tin cậy của các căn cứ hải ngoại. Tháng 11/1941, nhà sản xuất máy bay Consolidated Vultee, sau đổi tên thành Convair, giành được hợp đồng với mẫu thiết kế Model 36, đánh bại mẫu Model 385 của Boeing. Chiếc máy bay có sải cánh 70 m, trang bị 6 động cơ piston tỏa tròn Pratt & Whitney R-4360 “XWasp” 28 xylanh. Phương tiện có chiều dài thân là 49 m và sở hữu 4 khoang chứa bom khổng lồ.
Máy bay cũng trang bị 4 động cơ turbine phản lực luồng J47 của General Electric trong khoang hướng về phía mép cánh, một cải tiến lớn thời đó. Nhờ thiết kế độc đáo này, máy bay có thể duy trì vận tốc hành trình 370 km/h. Cụm động cơ J47 có thể giúp tăng tốc độ tối đa lên 700 km/h.
Tổng cộng 380 máy bay B-36 đã được sản xuất. Chiếc cuối cùng rời khỏi dây chuyền lắp ráp vào tháng 8/1954. Một năm sau, máy bay B-52 đi vào hoạt động. Sau 10 năm, B-36 chính thức ngừng hoạt động năm 1959, chỉ có vài chiếc tiếp tục vận hành dưới dạng máy bay trinh sát, số khác được cải tiến để phóng và thu hồi máy bay trinh sát đặc biệt RF-84F/K.
Trong số 380 máy bay B-36 đã sản xuất, chỉ có 4 khung máy bay còn tồn tại ngày nay, nằm ở bảo tàng Castle Air tại Atwater, California cùng bảo tàng Hàng không vũ trụ và chỉ huy chiến lược ở Ashland, Nebraska. Chiếc B-36 sản xuất cuối cùng hiện nay nằm trong bộ sưu tập ở bảo tàng hàng không vũ trụ Pima, kế bên căn cứ không quân Davis-Monthan ở Tucson, Arizona.
Convair cũng phát triển một phiên bản dân sự chở khách của B-36, gọi là Convair Model 37. Ban đầu, hãng Pan American Airways đặt 15 chiếc máy bay này, nhưng do chi phí nhiên liệu cao và mức tiêu thụ dầu lớn, kế hoạch được cho là không khả thi về mặt kinh tế. Do thiếu đơn hàng để khởi động sản xuất, dự án chấm dứt năm 1949.
An Khang (Theo Interesting Engineering)