Chiến thuật phi truyền thống của quân đội Nga là bảo vệ máy bay ném bom và các máy bay khác với lớp phủ bằng lốp xe cao su đã làm dấy lên các cuộc thảo luận về cách chiến thuật này tác động đến hệ thống nhận dạng mục tiêu mà các lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng.
Theo bà Schuyler Moore, Giám đốc Kỹ thuật tại Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM), chiến thuật này gây nhầm lẫn cho các hệ thống dẫn đường tên lửa và máy bay không người lái (UAV/drone), vốn dựa vào việc đối chiếu hình ảnh với cơ sở dữ liệu được tích hợp sẵn.
“Bằng cách phủ lốp xe cao su lên phần cánh máy bay, nhiều mô hình thị giác máy tính khó có thể nhận dạng được đây là một chiếc máy bay”, bà Moore giải thích thêm khi phát biểu tại một hội nghị về AI do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức.
Hình ảnh vệ tinh từ cuối tháng 8 năm ngoái lần đầu tiên tiết lộ chiến thuật này được sử dụng tại Căn cứ Không quân Engels của Nga – cách biên giới với Ukraine 700 km, trong đó các oanh tạc cơ hạng nặng Tu-95 và Tu-160 được nhìn thấy phủ lốp xe cao su lên phần thân và cánh máy bay.
Phương pháp kỳ lạ này dường như là một “kế nghi binh” để bảo vệ những chiếc máy bay ném bom đắt tiền này khỏi các cuộc tấn công bằng drone giá rẻ của Ukraine, vốn đã nhắm mục tiêu thành công vào các tài sản quân sự quan trọng khác trên lãnh thổ Nga trước đây.
Vào ngày 7/9 năm ngoái, một bức ảnh về máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 được bao phủ bởi lớp lốp xe ô tô đã xuất hiện trên mạng xã hội Nga, cho thấy chiến thuật phòng thủ độc đáo này được sử dụng với cả các mẫu máy bay nhỏ hơn, nhanh nhẹn hơn. Hình ảnh này nhanh chóng thu hút sự chú ý.
Cùng thời điểm này, rõ ràng là các lực lượng Ukraine đã bắt đầu triển khai tên lửa hành trình chống hạm Neptune dẫn đường bằng hồng ngoại chống lại các mục tiêu trên mặt đất. Trước đó, Không quân Ukraine đã nhận được các tên lửa hành trình phóng từ trên không Storm Shadow và SCALP-EG, cũng sử dụng thiết bị dẫn đường hồng ngoại để khóa mục tiêu.
Các hệ thống dẫn đường này quét các mục tiêu tiềm năng dựa trên thư viện dữ liệu được tải sẵn. Lớp phủ “thần thánh” bằng lốp xe cao su đã cản trở việc hệ thống xác định chính xác mục tiêu.
Như bà Moore của CENTCOM đã chỉ ra, để phá “kế nghi binh”, các nhà điều hành hệ thống chiến đấu cần cập nhật cơ sở dữ liệu. Và đây chính là mấu chốt của vấn đề khiến lớp phủ bằng lốp xe cao su thực sự hiệu quả.
“Nếu các vị mất tới 6 tháng để cập nhật thư viện dữ liệu mới từ nhà phát triển, thì đối phương cũng có thoải mái thời gian để điều chỉnh chiến thuật. Nếu lốp xe không còn hiệu quả thì họ sẽ chỉ cần thay thế nó bằng thứ gì đó khác là xong”, quan chức của CENTCOM giải thích.
Theo bà, chiến thuật này không chỉ giới hạn ở lốp xe cao su, mà đối phương còn có thể mở rộng sang nhiều loại vật liệu khác để thực hiện “ngụy trang phi truyền thống” cho thiết bị của mình. Báo chí Mỹ đã nêu bật một số thủ thuật mà Nga được cho là đã sử dụng để đánh lừa thị giác máy tính, bao gồm cả việc “tạo bóng” cho máy bay tại các căn cứ không quân hoặc tàu ngầm tại các căn cứ hải quân.
Việc sử dụng các chiến thuật mồi nhử, như vẽ bóng cho các tài sản quân sự, đặc biệt nổi lên trong cuộc xung đột Nga-Ukraine năm 2023. Vụ việc đầu tiên được ghi nhận là vào tháng 8 năm ngoái, khi phía Nga tạo bóng cho máy bay ném bom Tu-95MS trên đường băng tại Căn cứ Không quân Engels, nhằm đánh lừa hệ thống tên lửa của đối phương và thậm chí là hệ thống giám sát vệ tinh.
Vào đầu năm 2024, một chiến thuật đáng ngạc nhiên đã nổi lên trong các hoạt động hải quân của Nga. Tình báo Anh đã chụp được hình ảnh từ Novorossiysk, cho thấy bóng được vẽ của một tàu ngầm lớp Varshavyanka trên một cầu tàu, được đặt cạnh một tàu ngầm thực sự. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng chiến lược mồi nhử này trong hải quân.
Bằng cách sửa đổi hình dạng trực quan của tàu ngầm, nỗ lực này nhằm mục đích đánh lừa máy bay không người lái. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng các biện pháp này phần lớn không hiệu quả đối với các công nghệ phát hiện radar hoặc nhiệt tiên tiến.
Minh Đức (Theo Bulgarian Military)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/bao-ve-oanh-tac-co-bang-lop-xe-ke-nghi-binh-hieu-qua-den-dau-204240917153339408.htm