Diễn biến mới quanh vụ ông Donald Trump bị sám sát hụt hôm 15/9, mối quan hệ Nga với phương Tây, Israel ra tuyên bố quan trọng về căng thẳng với Hezbollah, Nga tăng cường quy mô quân đội… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày.
Hai kẻ ám sát ông Donald Trump hồi giữa tháng 7 và ngày 15/9. (Nguồn: AFP) |
Châu Mỹ
* Mật vụ Mỹ thừa nhận không rà soát trước địa điểm xảy ra vụ ám sát ông Trump hôm 15/9 tại Câu lạc bộ Golf quốc tế Trump ở West Palm Beach, Florida. Lời thừa nhận một lần nữa khiến cơ quan vốn đã chịu nhiều áp lực trở thành tâm điểm chú ý chỉ hai tháng sau vụ việc tương tự ở Pennsylvania.
Theo tờ New York Times, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết, nghi phạm ám sát đã ở gần sân golf mà không bị cản trở trong gần 12 giờ đồng hồ trước khi nổ súng.
* Vụ ám sát ông Trump: Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump đổ lỗi cho phát ngôn của Tổng thống Mỹ Joe Biden và đối thủ Kamala Harris là nguồn cơn dẫn đến vụ mưu sát hụt ông hôm 15/9 ở Florida.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden tuyên bố: “Tôi luôn lên án bạo lực chính trị. Tôi sẽ luôn làm như vậy”, đồng thời cho rằng cử tri Mỹ giải quyết những bất đồng “một cách hòa bình tại hòm phiếu, chứ không phải ở họng súng”. (Reuters, AFP)
* Mỹ hoàn tất quá trình rút quân khỏi Niger theo yêu cầu của lãnh đạo phe đảo chính ở quốc gia Tây Phi vào thời điểm được hai bên nhất trí là ngày 15/9. Quân đội Mỹ khẳng định, quá trình rút quân “an toàn, trật tự và có trách nhiệm”, không xảy ra biến cố nào. (AFP)
* Ông Trump muốn “hòa thuận với” Nga và Trung Quốc nếu đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Trên mạng xã hội X, ông nói: “Tôi không biết họ có phải là kẻ thù không. Tôi nghĩ chúng ta sẽ hòa thuận tốt với Bắc Kinh và Moscow. Tôi muốn Nga hòa giải với Ukraine”.
Vụ ám sát hụt ông Trump: Liệu có nghi phạm thứ 2? Nga cảnh báo ‘chơi dao có ngày đứt tay’, Ukraine bày tỏ gì? |
Châu Âu
* Nga tăng quy mô quân đội lên hơn 2,3 triệu người, bao gồm 1,5 triệu quân nhân, kể từ đầu tháng 12. Lý do của động thái này liên quan việc “số lượng các mối đe dọa hiện hữu đối với Moscow dọc theo các biên giới quốc gia” tăng lên, vì vậy cần có các biện pháp thích hợp. (Sputnik)
* Cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và phương Tây là “hơi giả tạo”, vì nó khác với cuộc đối đầu trước đó giữa các hệ tư tưởng của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, trong đó ý tưởng là tiêu diệt khối đối lập, theo lời Đại sứ Nga tại Anh Andrei Kelin.
Hiện tại, chính xác là đang có một cuộc tranh giành ảnh hưởng ở một số khu vực nhất định và theo ông Kelin, đây không phải là cuộc tranh giành có thể phát triển thành một cuộc chiến thực sự.
Theo nhà ngoại giao, Moscow-phương Tây duy trì lợi ích chung trong một số lĩnh vực nhất định, bất chấp căng thẳng trong quan hệ, cho thấy tình hình không tệ như giai đoạn đầu của Chiến tranh lạnh. (Sputnik)
* Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF) rời khỏi Nga sau 32 năm hoạt động. Theo quyết định của Bộ Tư pháp nước này, MSF bị loại khỏi danh sách các tổ chức nước ngoài được chấp thuận hồi tháng trước.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, tổ chức này đã cung cấp viện trợ nhân đạo cho hơn 52.000 người tị nạn và người di tản. Trong khi đó, Giám đốc điều hành MFS tại Nga Norman Sitali nhấn mạnh: “MSF muốn tiếp tục hoạt động tại Nga, nếu và khi có thể”. (MSF)
* Các thành viên NATO tự quyết việc cho phép Ukraine dùng tên lửa tấn công Nga bởi các đồng minh có chính sách khác nhau trong vấn đề này, theo lời Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sắp mãn nhiệm Jens Stoltenberg.
* Đức viện trợ bổ sung 111 triệu USD cho Ukraine vào mùa Đông năm nay, cảnh báo rằng Nga đang lên kế hoạch cho một “cuộc chiến mùa Đông”, theo lời Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 17/9. (Reuters)
* Azerbaijan-Mỹ thảo luận các nỗ lực hòa bình với Armenia trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 16/9. Theo ông Aliyev, hòa bình được thiết lập nhờ những nỗ lực của Baku và Yerevan cần từ bỏ các yêu sách lãnh thổ trong Hiến pháp Armenia.
Ngoại trưởng Blinken nhắc lại cam kết của Mỹ ủng hộ hòa bình lâu dài ở khu vực cũng như ca ngợi những tiến bộ gần đây, trong đó quy định về phân định biên giới ngày 30/8/2024. (THX)
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột Nga-Ukraine: Lộ ‘lá bài’ Moscow chưa dùng đến, phương Tây đang phớt lờ ‘lằn ranh đỏ’, ai sẽ phải trả giá cao hơn? |
Châu Á-Thái Bình Dương
* Trung Quốc nhắc Mỹ thúc đẩy Israel nhanh chóng ngừng chiến dịch quân sự ở Gaza: Phó Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc Cảnh Sảng nói: “Chúng tôi kêu gọi Mỹ thể hiện thái độ có trách nhiệm, sử dụng tầm ảnh hưởng đáng kể (với Israel) và có những hành động thúc đẩy cụ thể”.
Israel chấm dứt chiến dịch quân sự, theo yêu cầu trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, để mang lại cho người dân Palestine một cơ hội sống”. (THX)
* Chủ tịch Quốc hội Campuchia Khuon Sudary sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 22-26/9, nhằm mục đích tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai cơ quan lập pháp và hai quốc gia trong khuôn khổ song phương và đa phương. (AKP)
* Máy bay tuần tra P-8A Poseidon của Mỹ bay qua “không phận quốc tế” trên eo biển Đài Loan, theo thông báo của Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ ngày 17/9. Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã phái các máy bay chiến đấu để theo dõi và giám sát. (Sputnik)
* Hai tàu hải cảnh Trung Quốc là Mai Sơn và Tú Sơn đã cập cảng thành phố Vladivostok, vùng Viễn Đông Liên bang Nga, để tham gia các cuộc tập trận và tuần tra chung với các đối tác chủ nhà từ ngày 17/9-20/9. (RIA)
* Australia-Philippines đang tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, an ninh mạng và giáo dục, theo lời Đại sứ Australia tại Philippines HK Yu. (Politiko)
* Ấn Độ-Mỹ tiến hành Đối thoại giữa kỳ 2+2 lần thứ 8 với sự tham dự của các quan chức ngoại giao và quốc phòng hai nước, trong đó thảo luận cách thức thúc đẩy những ưu tiên chung, bao gồm hợp tác quốc phòng, hợp tác hàng không dân dụng và không gian, năng lượng sạch và phối hợp về công nghiệp, hậu cần.
Hai bên cũng trao đổi về một loại vấn đề của khu vực và thế giới, trong đó có lập trường ủng hộ nền hòa bình công bằng, bền vững ở Ukraine, ủng hộ lệnh ngừng bắn và viện trợ nhân đạo ở Gaza. (Defense gov)
TIN LIÊN QUAN | |
Máy bay tuần tra Mỹ P-8A Poseidon bay qua eo biển Đài Loan, Trung Quốc điều chiến đấu cơ theo sát |
Trung Đông-châu Phi
* Israel tuyên bố mở rộng mục tiêu xung đột sang phía Bắc nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của phong trào Hồi giáo Hezbollah để cho phép cư dân trở về nhà, theo xác nhận chính thức của Nội các an ninh Israel ngày 17/9.
Đăng tải trên mạng xã hội X, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết: “Nội các An ninh đã cập nhật các mục tiêu của cuộc chiến, bao gồm đưa người dân miền Bắc trở về nhà an toàn. Israel sẽ tiếp tục hành động để thực hiện mục tiêu này”. (Times of Israel)
* Iran-Nga quyết tâm triển khai Hành lang vận tải quốc tế Nam Á-Bắc Âu (INSTC), một mạng lưới đa phương thức dài 7.200 km gồm các tuyến đường thủy, đường sắt và đường bộ để vận chuyển hàng hóa giữa Ấn Độ, Iran, Azerbaijan, Nga, Trung Á và châu Âu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành chỉ thị đặc biệt để nhanh chóng triển khai “siêu dự án” này. (IRNA)
* Hamas sẵn sàng cho cuộc chiến tiêu hao lâu dài với Israel, đồng thời khẳng định, các nhóm liên kết với Iran ở Gaza, Iraq, Lebanon và Yemen sẽ “phá vỡ ý chí của Israel” sau khi Houthi tấn công bằng tên lửa vào miền Trung Israel hôm 15/9. (AFP)
* Houthi công bố video dài gần 2 phút ghi lại hình ảnh tấn công Israel bằng tên lửa “siêu vượt âm” mang tên Palestine 2 hôm 15/9. Đây là lần đầu tiên phong trào Houthi ở Yemen tấn công miền Trung Israel bằng tên lửa. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Houthi phải trả “giá đắt” cho hành động này. (Reuters)
* Mỹ nỗ lực xây dựng đề xuất sửa đổi cho thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và vẫn đang phối hợp với 2 nhà hòa giải Ai Cập, Qatar về vấn đề này.
Washington mong muốn đảm bảo văn kiện này trở thành đề xuất có thể đưa Israel và Hamas tiến tới thỏa thuận cuối cùng. (Reuters)
* Mali: Các tay súng chưa rõ danh tính tấn công căn cứ cảnh sát ở thủ đô Bamako của Mali vào sáng 17/9 (giờ địa phương). Có thể nhìn thấy khói đen bốc lên từ một khu vực gần sân bay ở thành phố này. (AFP)
* Iran trả tự do cho công dân Áo Christian Weber, bị giam giữ ở tỉnh Tây Azerbaijan của nước Cộng hòa Hồi giáo. Không rõ tội danh khiến ông này bị bắt giữ. Ông Weber đã được bàn giao cho Đại sứ quán Áo tại Tehran, sau đó sẽ được bố trí để xuất cảnh. (Mizan)
Nguồn: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-179-mat-vu-my-thu-nhan-ve-vu-ong-trump-bi-am-sat-hut-su-gia-tao-trong-xung-dot-nga-phuong-tay-israel-tuyen-bo-quyet-dinh-nong-286625.html