Ba tôi từng đột quỵ, cấp cứu kịp thời. Gần đây, ông thường xuyên mất ngủ, khó ngủ, điều trị thế nào? (Phương Dung, TP HCM)
Trả lời:
Đột quỵ gây phá hủy cấu trúc não, tùy mức độ có thể làm gián đoạn hệ thống giấc ngủ. Đột quỵ còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể như yếu liệt tay chân, rối loạn vận động, rối loạn cảm giác, đau nhức cơ thể khiến người bệnh khó vào giấc ngủ, thường xuyên tỉnh giấc, rối loạn hành vi giấc ngủ REM (giai đoạn giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh).
Người mắc hội chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM thường có thể la hét, nghiến răng, đấm, đá xảy ra trong giai đoạn giấc ngủ này.
Ba bạn mất ngủ, khó ngủ có thể do tiền sử đột quỵ hoặc mắc thêm các bệnh lý thần kinh khác. Trước tiên cần tìm ra nguyên nhân.
Bạn nên đưa ba đến khám tại chuyên khoa thần kinh, bác sĩ có thể đo đa ký giấc ngủ. Đây là kỹ thuật không xâm lấn, kết hợp tính năng của nhiều phương tiện khác nhau để đánh giá chức năng sinh lý của giấc ngủ ở người bệnh. Ví dụ, máy có kênh điện não đo lường thay đổi sóng điện não trong giấc ngủ. Kênh điện cực mắt, điện cơ theo dõi cử động mắt và cử động cơ. Kênh thông số hô hấp giúp khảo sát nhịp thở, lượng oxy máu, nhịp tim, huyết áp của người bệnh khi ngủ.
Máy còn có hệ thống tự động ghi hình ảnh và âm thanh, giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý thần kinh gây rối loạn giấc ngủ. Từ đó, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Một số loại thuốc nhằm dự phòng tái phát đột quỵ, ổn định huyết áp và điều trị các bệnh lý nền sau đột quỵ có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Các thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ cũng có khả năng tương tác với thuốc điều trị sau đột quỵ. Người bệnh cần dùng thuốc theo bác sĩ tư vấn, chỉ định và theo dõi chặt chẽ.
TS.BS Lê Văn Tuấn
Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |