Tập đoàn Masan đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất từ 84.000 – 90.000 tỷ đồng, thu lãi từ 2.200 – 4.020 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2023.
Kết quả trên được tập đoàn dự kiến tương ứng với các kịch bản khác nhau về điều kiện vĩ mô. Trong đó, ngành hàng tiêu dùng có thương hiệu Masan Consumer Holdings (MCH) dự kiến mang về 32.500 – 36.000 tỷ đồng doanh thu thuần. Đây cũng là mảng có kết quả kinh doanh kỷ lục năm qua, biên lợi nhuận phá đỉnh 44,9%, đạt 7.431 tỷ đồng lợi nhuận EBITDA (Lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) cho Masan. Những thương hiệu chủ chốt của Masan Consumer Holdings bao gồm Chin-su, Omachi, Kokomi, Vinacafe…
Chiến lược “Go Global” là động lực tăng trưởng trung và dài hạn quan trọng cho MCH khi công ty đặt mục tiêu quảng bá văn hóa F&B Việt Nam đến 8 tỷ người tiêu dùng trên toàn thế giới. Theo đó, doanh thu xuất khẩu tăng lên 1.005 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 13,6% so với cùng kỳ 2022. Đặc biệt, tại thị trường Mỹ, tương ớt Chin-su giữ vững vị trí trong top 8 sản phẩm bán chạy nhất trên Amazon – sàn thương mại số 1 tại Mỹ. Từ năm 2020 đến năm 2023 tổng doanh thu xuất khẩu đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 31%.
Masan sở hữu nhiều thương hiệu FMCG được người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: Masan
Với mảng siêu thị, WinCommerce (WCM) đặt kỳ vọng đạt doanh thu thuần từ 32.500 đến 34.000 tỷ đồng, tăng lần lượt so với cùng kỳ từ 8% đến 13%. Mức tăng trưởng này được thúc đẩy bởi mở rộng mạng lưới và kết quả tích cực của các cửa hàng mới.
Masan MEATLife (MML) dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng 7.100 – 7.800 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 2% đến 12% so với cùng kỳ nhờ tập trung đầu tư vào mảng kinh doanh thịt chế biến và giảm quy mô trang trại chăn nuôi gà.
Ở mảng F&B, Phúc Long (PLH) đặt mục tiêu mang về từ 1.700 – 2.170 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 17% đến 41% so với cùng kỳ. Thương hiệu dự kiến có thêm 30-60 cửa hàng ngoài WCM (bao gồm cửa hàng tiêu chuẩn, cửa hàng Flagship và ki-ốt) tập trung vào Hà Nội và TP HCM. Hiện, Phúc Long sở hữu 156 cửa hàng toàn quốc.
Masan cho biết sẽ tiếp tục giảm đòn bẩy để cải thiện bảng cân đối kế toán, giảm lợi ích ở các mảng kinh doanh không cốt lõi trong khi vẫn duy trì chiến lược phân bổ vốn chặt chẽ. Tập đoàn lập kế hoạch lợi nhuận sau thuế cốt lõi trước phân bổ cho cổ đông thiểu số, dự kiến đạt 2.290 – 4.020 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với 1.950 tỷ đồng trong năm 2023.
Trong bối cảnh thị trường vốn đầy biến động, các doanh nghiệp sở hữu mảng kinh doanh tập trung vào người tiêu dùng tạo ra dòng tiền vững chắc như Masan có nhiều lợi thế tiếp cận thị trường vốn trong nước.
và quốc tế với những điều kiện rất thuận lợi. Hoạt động kinh doanh không mang tính chu kỳ của Masan giúp ban lãnh đạo tự tin vào những thuận lợi phía trước trong việc gia tăng thanh khoản của Công ty vào những tháng sắp tới.
Khu vực rau củ tại siêu thị Winmart. Ảnh: Masan
Ban lãnh đạo Masan cho rằng thị trường tiêu dùng tại Việt Nam sẽ tăng trưởng nhẹ trong nửa đầu năm nay và phục hồi nhanh chóng trong nửa năm còn lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa có thể ảnh hưởng đến lộ trình phục hồi, tập đoàn sẽ lập kế hoạch cho cả kịch bản thị trường phục hồi chậm và kịch bản tăng trưởng nhanh trong năm 2024.
Trong năm 2023, Masan có hơn 78.252 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng nhẹ gần 3% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cốt lõi trước phân bổ cho cổ đông thiểu số đạt 1.950 tỷ đồng.
Thái Anh