Từng bị bác sĩ từ chối nâng ngực do vùng cơ vạm vỡ, nhiều mô mỡ, không có tuyến vú, biến chứng chảy máu có thể đe dọa tính mạng, song An Nhi chấp nhận mạo hiểm.
“Không ai đang khỏe mạnh mà lại lên bàn mổ, nhưng để sống cuộc đời của mình thì tôi không còn lựa chọn nào”, Nhi, hiện là người mẫu ở TP HCM, nói hôm 2/10.
Cuộc mổ diễn ra năm ngoái, kéo dài hai tiếng, khiến Nhi đau đớn như “chết đi sống lại”. Theo các bác sĩ, khó khăn trong phẫu thuật nâng ngực cho người chuyển giới nam sang nữ là cơ ngực khỏe, mô cơ da vùng ngực chặt. So với nam giới, bầu ngực nữ tròn, núm vú to hơn nên cần thu nhỏ và định hình lại. Do đó, việc can thiệp cần nhiều thời gian, đồng nghĩa bệnh nhân sẽ đau đớn nhiều hơn.
Trường hợp của Nhi từng tập gym, cơ vai và ngực rắn chắc, khung xương to khiến cuộc mổ thêm phần khó. Bác sĩ phải cắt bỏ mô mỡ dư thừa, tạo lại cấu trúc xương. Để hạn chế biến chứng, chuyên gia rạch một đường ở nách, khéo léo luồn túi ngực vào. Do không có tuyến vú, cơ ngực lớn, bác sĩ tỉ mỉ bóc tách, mất nhiều thời gian, nguy cơ nhiễm khuẩn, xuất huyết, sẹo sau mổ.
Sau chuyển giới, Nhi làm chuyên viên trang điểm chuyên nghiệp và mẫu ảnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Khoa Vương – người đồng hành cùng Nhi trong quá trình phẫu thuật thấp thỏm lo lắng. Trước đó, cả hai đã tìm hiểu và lên kế hoạch kỹ lưỡng. Anh cũng xác định đây là ca phẫu thuật nguy hiểm, Nhi có nhiều bất lợi hơn so với các trường hợp khác. Tuy nhiên, Vương vẫn chọn ở cạnh để chăm sóc và hỗ trợ cho bạn.
“Chẳng ai có thể cưỡng ép bản thân mãi nên đành cãi ‘mụ’ để được sống cuộc đời của mình thôi”, người đàn ông nói.
Phẫu thuật xong, Nhi quay lại công việc, song phải quấn băng kín ngực nên thường xuyên đau đớn, căng tức. Mỗi ngày, cô vệ sinh vết mổ theo chỉ định, thỉnh thoảng massage để vùng ngực không bị tụ máu hay tím bầm. Nhi hạn chế di chuyển, mặc áo nịt không bị xô xệch, thậm chí đi ngủ. Bù lại, ca mổ thành công, Nhi hài lòng và tự tin mặc trang phục của nữ.
Trước đó, Nhi tiêm hormone một lần mỗi tuần để cơ thể mềm mại, cử chỉ nữ tính hơn. Dù vậy, hormone khiến cô mệt mỏi, đuối sức, buồn ngủ, đau nửa đầu kéo dài. Hiện, Nhi chăm sóc sức khỏe để tiếp tục phẫu thuật cơ quan sinh dục.
Thông thường, người chuyển giới từ nam sang nữ sẽ trải qua ít nhất hai ca đại phẫu, bao gồm nâng ngực và cắt bỏ cơ quan sinh dục nam, tạo hình cơ quan sinh dục nữ thay thế. Đồng thời, họ phải sử dụng hormone estrogen suốt đời nếu muốn duy trì kết quả phẫu thuật trọn vẹn. Hormone giúp người chuyển giới nữ có giọng nói trong và cao hơn, tiêu giảm cơ bắp, nở ngực, da dẻ mịn màng và sáng màu… Ngoài ra, họ sẽ làm thêm các phẫu thuật thẩm mỹ như bơm môi, cắt mí, độn cằm, hạ xương gò má, để có vẻ ngoài xinh đẹp, nữ tính.
An Nhi trước khi chuyển giới. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Diệp An Nhi, 27 tuổi, sinh ra là nam nhưng mang bản dạng giới nữ. Bản dạng giới là sự nhận thức chủ quan của một người về giới của bản thân, có thể đồng nhất hoặc không đồng nất với giới tính tự nhiên.
Từ nhỏ, Nhi yếu ớt hơn các bạn nam, da trắng, hay xúc động. Sợ bị kỳ thị, Nhi tập gym để cơ thể vạm vỡ và cơ bắp, “cố gắng che đi bí mật của mình”. Đến khi về nhà, soi mình trong gương, cô bật khóc. “Đấy không phải con người, cuộc sống mình mong muốn nhưng bản thân không còn lựa chọn nào khác”, Nhi nói.
Nhi là một trong những người chuyển giới trải qua khoảng thời gian bức bối, với những cảm xúc căng thẳng, đau khổ và khó chịu khi bản dạng giới (cảm nhận của một người về giới mình thuộc về) không tương thích với giới tính sinh học (được xác định dựa vào cơ quan sinh dục).
Báo cáo nghiên cứu về Hiện trạng trải nghiệm y tế và nhu cầu chuyển đổi giới tính của người chuyển giới Việt Nam (iSEE, năm 2018) chỉ ra mức độ thường xuyên trải nghiệm phiền muộn giới (cách gọi khác của bức bối giới) ở nhóm chuyển giới nam (FTM) là gần 94% và nhóm chuyển giới nữ (MTF) là 68%.
Bức bối giới kết hợp với thiếu sự hỗ trợ từ xã hội có thể gây đau khổ tinh thần và những vấn đề khác. Người mắc có thể bị trầm cảm, lo lắng, lạm dụng chất gây nghiện, tự hại bản thân, thậm chí tự sát. Trong một nghiên cứu, hơn 48% người tham gia mắc phải bức bối giới đã từng có ý định tự tử và gần 24% từng cố gắng tự tử ít nhất một lần.
Trạng thái tâm lý này khiến Nhi quyết tâm mọi giá, kể cả sự phản đối của người thân, hoặc đánh đổi tuổi thọ, để phẫu thuật chuyển giới. Nỗ lực của cô đã được đền đáp, khi cơ thể mới khiến Nhi hạnh phúc, tự tin hơn, được gia đình ủng hộ. Mong muốn lớn nhất của cô là Luật Chuyển đổi giới tính nhanh chóng được thông qua để được là nữ kể cả trên giấy tờ.
Thùy An