Hà Nội17 năm hiếm muộn và 10 lần thụ tinh nhân tạo, chị Phúc không nghĩ vẫn có thể sinh con đầu lòng khi đã ngoài 50.
Một ngày cuối tháng 8, chị Phúc 55 tuổi, ăn mặc giản dị, dắt bé gái nhỏ vào bệnh viện ở Hà Nội khám, bị nhiều người nhận nhầm là hai bà cháu. Thực ra, bé gái ba tuổi này là “quả ngọt” mà chị Phúc mong mỏi hơn chục năm.
Chị hiếm muộn 17 năm và 10 lần thụ tinh nhân tạo nhưng vẫn không có thai. Hầu hết lần chuyển phôi vào tử cung của chị đều thành công, song chỉ đậu thai được một đến hai tháng là hỏng. Năm 2018, chị mang thai đôi, đến tháng 4 bất ngờ đau bụng, chảy máu, không giữ được thai. Ở tuổi xế chiều, mọi người khuyên chị nhận con nuôi do mang thai nhiều nguy hiểm. Song, chị luôn ao ước có đứa con của mình.
Năm 2019, hai vợ chồng đến Bệnh viện Bưu điện thụ tinh nhân tạo (IVF). Chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) của chị thấp kèm theo nội tiết kém nên cơ hội mang thai mong manh. Chưa kể, người mẹ lớn tuổi mang thai nguy hiểm sức khỏe hai mẹ con. Chị lại bị xoắn đáy tử cung, phải phẫu thuật mới có thể mang thai.
Tháng 10/2019, chị làm IVF, được 12 phôi, chuyển hai phôi vào tử cung, đậu một thai. Trong suốt thai kỳ, chị gần như “ăn nằm” ở viện để theo dõi. Tuần thai thứ 35, chị đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội kiểm tra, bị tăng huyết áp nên phải mổ cấp cứu, bé gái chào đời ngày 28/6/2020.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuổi mãn kinh trung bình của người phụ nữ là 51. Mãn kinh cũng đặt dấu chấm hết cho khả năng sinh sản bằng noãn tự thân của nữ giới. Trên thực tế, rất hiếm khi một người phụ nữ có thể thụ thai trong vòng 10 năm trước thời điểm mãn kinh, bởi ở độ tuổi 40, khoảng 75% tổng số noãn bất thường về nhiễm sắc thể, làm giảm cơ hội thụ thai và tăng nguy cơ sảy thai.
Tại Việt Nam, hầu hết trường hợp mang thai ngoài 50 tuổi đều nhờ can thiệp hỗ trợ sinh sản. Trong đó, sản phụ 61 tuổi, ở Hà Nội, là trường hợp lớn tuổi nhất, mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm từ trứng của người hiến tặng và tinh trùng người chồng, bé gái chào đời năm 2018 nặng 2,6 kg. Một sản phụ khác, 60 tuổi, ở Bắc Giang, sinh con lần ba, cũng nhờ thụ tinh ống nghiệm. Một phụ nữ khác sinh con trai ở tuổi 58 sau khi mãn kinh được hai năm, phải xin noãn của người khác để thụ tinh trong ống nghiệm.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp ngoài 50 mang thai tự nhiên mà không biết, song chưa có số liệu thống kê. Hồi tháng 4, Bệnh viện 354 Hà Nội cũng đỡ đẻ thành công cho người phụ nữ 51 tuổi quê Bắc Kạn, đã có cháu nội. Thai phụ này cảm thấy bất thường trong bụng, cảm giác có “động đậy”, đi khám thì phát hiện thai đã ở tuần thứ 22.
Tháng 7, bác sĩ Nguyễn Trung Đạo, khoa Sản bệnh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, mổ sinh cho thai phụ 50 tuổi đã có cháu ngoại. Thai phụ mang thai tự nhiên, bé trai nặng 3,6 kg. Bác sĩ đã từng đỡ đẻ thành công cho các sản phụ 47-48 tuổi mang thai tự nhiên, nhưng trên 50 thì rất hiếm. “Tuổi ngoài 50 buồng trứng đã suy giảm rất nhiều, trứng gần như không còn để mang thai”, bác sĩ Đạo nói, thêm rằng độ tuổi cùng với chất lượng trứng kém khiến thai nhi đối diện nguy cơ dị tật cao, quá trình mang thai khó khăn dễ gây sảy thai, thai lưu, đẻ non, nhẹ cân, thai chậm tăng trưởng.
Các thống kê cho thấy mỗi năm Việt Nam có gần 1,5 triệu trẻ em chào đời, trong đó khoảng hơn 40.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh, tương đương cứ 13 phút có một trẻ mắc dị tật được sinh ra. Trong số này, khoảng 1.000-1.500 trẻ bị dị tật ống thần kinh, 300-400 trẻ suy giáp, 15.000-30.000 trẻ thiếu men G6PD và khoảng 2.200 trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh… Dị tật bẩm sinh là nguyên nhân khiến hơn 1.700 trẻ sơ sinh tử vong mỗi năm.
Một số trẻ bị hội chứng Down và dị tật ống thần kinh từ nhẹ đến trung bình, có thể được sinh ra và sống bình thường, mặc dù chúng có thể bị khuyết tật về phát triển, thể chất hoặc nhận thức. Tuy nhiên, một nửa số thai nhi bị bệnh não không sống sót sau khi sinh; nửa còn lại sẽ chết trong vòng vài giờ hoặc vài ngày. Tình trạng đột biến nhiễm sắc thể như trisomy 13 hoặc trisomy 18 có thể khiến trẻ có tuổi thọ ngắn; 90% trẻ sơ sinh mắc một trong hai tình trạng này không sống sót qua một tuổi và thường xuyên gặp các vấn đề về sức khỏe cũng như các can thiệp y tế suốt đời.
Tất cả vấn đề trên của trẻ có liên quan tình trạng sức khỏe mẹ trước và trong thai kỳ, trong đó tuổi tác của mẹ rất quan trọng. Với những trường hợp trên, bác sĩ tư vấn nên chấm dứt thai kỳ bởi trẻ sinh ra không chỉ là thiệt thòi, nỗi đau cho chính em bé, mà còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Cùng quan điểm, bác sĩ Phan Chí Thành, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết giai đoạn vàng trong độ tuổi sinh sản của nữ là 20-25 tuổi. Đây là giai đoạn mà buồng trứng phát triển tối ưu, ít bị bất thường nhất.
Mang thai sau tuổi 35 có thể gặp nhiều khó khăn, thậm chí đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và bé. Phụ nữ lớn tuổi thường có sẵn nhiều vấn đề bệnh lý hơn so với phụ nữ trẻ, chẳng hạn như bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp dễ dẫn tới nguy cơ tiền sản giật. Nguy cơ mắc tiểu đường hay tiểu đường thai kỳ cũng gia tăng theo tuổi, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người mẹ. “Quá trình mang thai khiến bệnh nền của mẹ trầm trọng, nguy cơ xuất hiện biến chứng trong thai kỳ cao hơn”, bác sĩ nói.
Người mẹ lớn tuổi mang thai khiến nguy cơ thai nhi nhỏ hơn so với tuổi thai, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ nhẹ cân, nguy cơ đẻ non, thai nhi dị tật, sảy thai cao hơn so với người mẹ trẻ tuổi.
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ ngoài 35 nên khám sức khỏe trước khi dự định mang thai. Nếu không đủ điều kiện về sức khỏe thì không nên cố mang thai. Thai phụ phải sàng lọc dị tật, theo dõi chặt chẽ cả quá trình thai kỳ. Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, đa dạng loại thực phẩm để tăng cường sức đề kháng cho mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi.
Nếu lỡ mang thai trong độ tuổi tiền mãn kinh, thai phụ phải tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của các bác sĩ để sàng lọc những yếu tố nguy cơ cho cả mẹ và bé. Trường hợp bệnh nhân hiếm muộn, bác sĩ tư vấn quy trình và khó khăn khi mang thai để gia đình cân nhắc.
Các cặp đôi nên khám tiền hôn nhân để kiểm tra khả năng sinh sản và điều trị theo phác đồ chỉ định của bác sĩ, đảm bảo an toàn trước khi mang thai.
Thùy An
*Tên nhân vật được thay đổi