Sau một lần uống thuốc chữa cảm cúm, Hưng bị dị ứng, mắc hội chứng hiếm gặp dẫn đến mất dần thị lực suốt 16 năm qua.
Loại thuốc cảm Hưng uống năm 2007 là SEDA, hiện nay đã ngừng sản xuất. Sau uống thuốc, bệnh không giảm, sốt cao 41 độ, co giật, toàn thân nổi mụn, Hưng được bác sĩ chẩn đoán sốt phát ban, điều trị theo triệu chứng.
Một tháng sau, Hưng nổi nhiều mụn nước to khắp bụng, chân và mặt, nổi mụn nước nhỏ li ti ở mắt, môi bị bong tróc, các ngón tay lần lượt bong móng. Bác sĩ xác định anh mắc hội chứng Steven-johnson, là một dạng phản ứng dị ứng, nguyên nhân chủ yếu do phản ứng dị ứng với thuốc. Bệnh ít gặp, tỷ lệ 2/1.000.000 người, có thể ảnh hưởng đến tính mạng với tỷ lệ tử vong 5-30%.
Các mụn nước nhỏ li ti trong mắt Hưng dần phát triển to hơn. Mắt khô, mi mắt tiết ra nhiều dịch trắng rất khó chịu, dùng tay quệt nhẹ lên mắt là có thể “bay” cả hàng mi. Do phát hiện và điều trị muộn, cấu trúc mắt của Hưng bắt đầu biến dạng. Mắt đỏ nên thường xuyên phải nhỏ thuốc, Hưng gần như không thể nhìn rõ trên bảng, các môn học buộc phải tiếp thu chủ yếu bằng cách lắng nghe.
Sau hai năm điều trị mắt ở trong nước, anh đi du học kết hợp chữa bệnh. 5 năm ở nước ngoài, Hưng hai lần phẫu thuật mắt trái để tách mi khỏi nhãn cầu, giúp nhãn cầu cử động dễ dàng hơn, sau đó ghép màng ối sinh học cho kết cấu mi ổn định, có thể điều tiết được nước mắt. Về nước, Hưng, nay 32 tuổi, vẫn phải thường xuyên đến bệnh viện khám.
Đầu tháng 6, mắt phải của Hưng lại xuất hiện mụn nước to. Bác sĩ phẫu thuật để xử lý mụn nước, đồng thời ghép màng ối thay thế kết mạc bảo vệ mắt. Hưng tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2.
Hiện tại, thị lực cả hai mắt của Hưng đều rất yếu, mắt trái chỉ còn 1/10, mắt phải 2/10. Phác đồ điều trị chủ yếu là thuốc nhỏ mắt kháng sinh, chống viêm, nước mắt nhân tạo và khám thường xuyên để giữ cho các mạch máu không bị ăn sâu vào giác mạc.
Ngày 21/6, PGS. TS Hoàng Thị Minh Châu, Chủ tịch hội đồng chuyên môn, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, cho biết bệnh nhân được phát hiện và điều trị quá muộn khi các triệu chứng đã diễn biến nặng. Giai đoạn vàng điều trị mắt bị bỏ qua bởi lúc đầu tập trung chữa các bệnh khác trên cơ thể mà không nghĩ đến mắt.
‘Đây là bệnh hiếm gặp, các triệu chứng thường xuất hiện muộn hơn sau khoảng một tháng sử dụng thuốc gây dị ứng”, bác sĩ Châu nói, thêm rằng nếu được phát hiện sớm hơn, chẩn đoán đúng bệnh ngay từ đầu thì bệnh nhân có khả năng giữ được thị lực.
Hội chứng Steven-Johnson khiến mi mắt ngày càng biến dạng, mắt bị đỏ, viêm, mạch máu ăn dần vào giác mạc gây hỏng giác mạc, mờ mắt, lâu dần dẫn đến mù lòa. Do đó bệnh nhân cần phải được bác sĩ khám thường xuyên, theo dõi suốt tiến trình của bệnh, xác định tư tưởng “sống chung với bệnh”.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh phải dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý uống thuốc không được kê đơn, không sử dụng thuốc theo toa của người khác, không tự ý bỏ liều.
Lê Nga
Tên nhân vật đã được thay đổi