Tiêu chảy dẫn đến thiếu nước, mắc hội chứng ruột kích thích, từng phẫu thuật cắt dạ dày có nguy cơ hình thành sỏi thận.
Theo Tổ chức Thận Quốc gia (Mỹ), sỏi thận có thể ảnh hưởng đến đường tiêu hóa và ngược lại. Dưới đây là những bệnh đường tiêu hóa có thể khiến sỏi thận hình thành.
Tiêu chảy
Cơ thể mất nước và mất điện giải khi tiêu chảy làm quá trình bài tiết nước tiểu ít. Lượng nước tiểu ít gây tái hấp thu, làm cho các chất cần thải ra ngoài bị lắng đọng, tạo sỏi.
Vấn đề hấp thụ
Người từng phẫu thuật cắt dạ dày, mắc chứng rối loạn tiêu hóa, viêm ruột như bệnh Crohn cũng có khả năng bị sỏi thận. Nguyên nhân do cơ thể người bệnh không hấp thụ tốt chất béo, những chất này liên kết đến canxi trong ruột nên có nhiều oxalate. Oxalate đó sau đó được hấp thu vào đường tiêu hóa và bài tiết qua nước tiểu. Nồng độ oxalate tăng lên có thể liên kết với canxi trong nước tiểu, hình thành sỏi thận.
Chế độ ăn giàu protein
Sau phân tích dữ liệu từ 32 nghiên cứu trước đó, Trường Đại học Thessaly (Hy Lạp) kết luận ăn quá nhiều protein có thể phát triển sỏi thận và tổn thương gan.
Các nhà khoa học lý giải chế độ ăn nhiều đạm làm tích tụ axit uric trong nước tiểu. Mức độ axit cao hơn có thể dẫn đến sỏi thận. Do đó, mỗi người nên hạn chế lượng protein động vật và chỉ nên tiêu thụ tối đa 200 g thịt, cá.
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích là rối loạn phổ biến ảnh hưởng đến dạ dày và ruột. Nguyên nhân do ruột kém hấp thu nên lượng citrate và magie bài tiết qua nước tiểu ít. Về lâu dài gây ức chế hình thành sỏi oxalat, sỏi thận. Người bệnh sỏi thận cũng có nguy cơ mắc hội chứng này.
Nghiên cứu năm 2016 của Trường Đại học Quốc gia Giao thông và Đại học Y Trung Sơn (Đài Loan) cho thấy người lớn tuổi có nhiều khả năng mắc hội chứng ruột kích thích hơn sau khi bị sỏi thận. Hơn 30% trường hợp mắc hội chứng này xảy ra trong vòng 6 tháng sau khi bị sỏi lần đầu tiên.
Người lớn nên uống 2-4 lít chất lỏng mỗi ngày, ngay cả với người không có nguy cơ sỏi thận. Người thường xuyên tập thể dục, sống nơi nóng ẩm, đang mang thai hoặc cho con bú cũng nên uống nhiều nước hơn.
Bên cạnh nước lọc, nước trà xanh, nước chanh, nước trái cây đều có lợi cho sức khỏe. Nước chanh rất tốt cho thận vì chứa hợp chất citrate có tác dụng ngăn ngừa hình thành của sỏi canxi. Citrate cũng giúp phá vỡ các viên sỏi nhỏ, cho phép cơ thể đào thải ra ngoài thông qua nước tiểu.
Để phòng các bệnh đường tiêu hóa, chế độ ăn uống của mỗi người nên có nhiều chất xơ, hạn chế chất béo và gia vị. Thay đổi thói quen ăn uống bằng cách ăn chậm, nhai kỹ hỗ trợ quá trình tiêu hóa, nhất là giảm áp lực lên dạ dày. Chia ba bữa chính thành 4-5 bữa nhỏ trong ngày để phòng tránh hệ tiêu hóa quá tải và làm việc kém hiệu quả.
Huyền My (Theo Cleveland Clinic)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |