SingaporeĐảo quốc xác định eSports là ngành mũi nhọn, ban hành loạt chính sách tạo điều kiện cho nhà phát triển game, thu hút các giải đấu chuyên nghiệp toàn cầu.
Cộng đồng game rộng lớn
Singapore có khoảng 5,9 triệu dân, song tỷ lệ người chơi game lại chiếm khá cao. Theo Statista, đảo quốc có 4,2 triệu người chơi game di động, doanh thu đạt 288 triệu USD. Số liệu từ Newzoo cũng cho thấy năm ngoái, quốc gia này có đến 46% dân số xem các nội dung video về game; 21% dân tại thành thị theo dõi thể thao điện tử.
Đây cũng là quốc gia có doanh thu trung bình trên mỗi người chơi game di động cao nhất khu vực, đạt 50,75 USD năm 2022. Con số này dự báo tiếp tục tăng trung bình 5,41% mỗi năm cho đến 2027. Trong khi đó, Indonesia – nước có đông người chơi game nhất Đông Nam Á, dừng ở mức 10,36 USD một người và Thái Lan là 19,66 USD một người.
Nhờ mức độ “chịu chi” cho game online, eSports tại Singapore rất được các nhãn hàng ưu ái. Năm 2019, Singtel – một trong bốn tập đoàn viễn thông lớn nhất đảo quốc đầu tư vào đội tuyển thể thao điện tử quốc gia trong kỳ SEA Games 30 tổ chức tại Philippines. Đây là kỳ đầu tiên đưa eSports vào danh sách bộ môn thi đấu chính thức.
CEO Singtel nhấn mạnh hoạt động đầu tư này nhằm gây dựng và phát triển hệ sinh thái ngành game trong khu vực, tiến tới tăng nhận diện tại châu Á. Tập đoàn đã ký một biên bản ghi nhớ (MOU) với Hiệp hội thể thao điện tử Singapore (Singapore Esports Association – SGEA), trở thành đơn vị tài trợ chi phí đào tạo, thi đấu, trợ cấp cho tuyển thủ, cũng như các học bổng giúp vận động viên tiếp cận cơ hội giáo dục.
Chính phủ thúc đẩy hỗ trợ
Thành tích tại các cuộc thi thể thao như Olympic, SEA Games của Singapore không nổi bật. Song đảo quốc nhỏ lại là điểm tổ chức quen thuộc của nhiều giải đấu eSports chuyên nghiệp nhờ ưu thế hạ tầng, công nghệ và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Tháng 5/2022, Singapore tổ chức giải vô địch Free Fire World Series. Lượt view trận chung kết cao nhất trong một thời điểm đạt 5,4 triệu. Theo Esports Charts, đây là tổng lượt xem lớn nhất từ trước tới nay, không tính các nền tảng từ Trung Quốc. Cùng năm, giải vô địch thế giới Dota 2 – The International 11 diễn ra tại Singapore. Lần đầu tiên trận chung kết của giải được tổ chức tại Đông Nam Á.
Theo Bloomberg, Singapore đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hướng tới trở thành trung tâm kinh doanh toàn cầu, phát triển hệ sinh thái để trở thành điểm đến hàng đầu Đông Nam Á cho thể thao điện tử. Nhờ chính sách cởi mở với ngành game, đảo quốc là “quê hương” của nhiều nhà phát triển, phát hành game như SEA (tiền thân là Garena), Razer, Riot Games, Ubisoft…
Ông Carlos Alimurun, Giám đốc điều hành One Esports (Singapore) nhận định Đông Nam Á là “biên giới” tiếp theo của thể thao điện tử trên di động. Trong đó, Singapore là một trong những quốc gia dẫn đầu nhờ cơ sở hạ tầng gồm thiết bị phần cứng, tốc độ mạng Internet, nguồn nhân lực và chính sách cho doanh nghiệp.
Theo Tổng cục Du lịch Singapore (Singapore Tourism Board – STB), chính phủ nước này sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp game thử nghiệm định dạng nội dung và mô hình kinh doanh mới. Họ còn đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.
Đại diện STB cho biết những giải đấu quốc tế lớn như The International sẽ giúp nâng cao tham vọng phát triển eSports dẫn đầu Đông Nam Á của đảo quốc. Những sự kiện này sẽ là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển du lịch của đơn vị.
STB còn cùng Cơ quan Phát triển Truyền thông và Cục Doanh nghiệp hậu thuẫn cho sự phát triển Hiệp hội Game Singapore (SGGA). Một số Hiệp hội khác như Esports Singapore SGEA, Esports toàn cầu GEF (trụ sở chính tại Singapore), Game online và thể thao trên mạng SCOGA… cũng là những tổ chức hoạt động sôi nổi, góp phần phát triển ngành này tại đảo quốc sư tử.
Đến nay, Singapore có khoảng hơn 220 doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong ngành game. 100% đơn vị này đều tham gia SGGA. Họ chỉ chịu duy nhất thuế thu nhập doanh nghiệp 17%, không cần nộp thêm bất cứ khoản nào khác. Đây là một trong những mức thuế thấp nhất trên toàn Đông Nam Á.
Cơ hội cho Việt Nam
Năm 2021, doanh thu eSports toàn cầu đạt hơn 1,1 tỷ USD, dự kiến cán mốc 1,8 tỷ USD vào năm 2025. Tính đến cuối năm 2022, lượng khán giả theo dõi thể thao điện tử toàn cầu đạt 532 triệu người. Trong đó, 74% khán giả theo dõi eSports thường xuyên là nhân viên toàn thời gian với 44% thuộc nhóm thu nhập cao.
Đông Nam Á và Mỹ Latin hiện là thị trường có tốc độ phát triển eSports nhanh với mức tăng trưởng hàng năm lần lượt vượt 27% và 19%. Riêng tại Đông Nam Á, Singapore cùng một số quốc gia khác như Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia… liên tục ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu những năm gần đây.
Tương tự Singapore, Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố đưa eSports trở thành nền kinh tế mũi nhọn, thu hút các giải đấu quy mô khu vực và thế giới. Đây là một trong những cách giúp đa dạng nguồn thu ngân sách trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Thứ nhất, Việt Nam có dân số đông và cơ cấu trẻ, là một trong ba quốc gia Đông Nam Á có hơn 100 triệu người. Theo Newzoo, năm 2022 Việt Nam có 54,6 triệu người chơi game. Doanh thu toàn ngành game di động đạt 507 triệu USD.
Số liệu của Appota cũng cho thấy trong giai đoạn 2020-2021, thời gian chơi eSports trung bình là 2 giờ 55 phút mỗi ngày. Thời lượng xem livestream và các giải đấu là 2 giờ 10 phút. Trò chơi điện tử cũng thuộc nhóm ứng dụng có lượt tải nhiều nhất trên cả hai hệ điều hành iOS và Android, lần lượt chiếm 41,2% và 64,5%.
Thứ hai, hạ tầng mạng Việt Nam đang dần cải thiện, đặc biệt là mạng di động. Tốc độ mạng 4G ổn định rõ nét so với 3G, 2G truyền thống. Sắp tới, 5G dự kiến là cú hích giúp nâng cao trải nghiệm eSports với cả người chơi và người xem.
Thứ ba, các nhà phát hành dần chứng minh năng lực, đầu tư nghiêm túc trong việc tổ chức vận hành các giải đấu eSports cấp quốc gia hay vòng loại chung kết thế giới. Đơn cử như giải Icon Series SEA và Wild Rift Champions SEA game Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến (Riot Games phối hợp VNGGames), PUBG Mobile Pro League Việt Nam (Viresa phối hợp VNG)…
Trong buổi công bố dự án Liên minh Huyền Thoại hợp tác giữa VNGGames và Riot Games năm 2023, ông Alasdair Gray, Giám đốc Marketing Riot Games khu vực APAC cho biết ông tin tưởng năng lực vận hành giải đấu quy mô lớn của VNGGames.
“Việt Nam là một trong những quốc gia có cộng đồng người chơi Liên minh Huyền Thoại lớn nhất thế giới. Riot Games sẽ hợp tác cùng VNGGames chinh phục các mục tiêu mới trong tương lai”, ông khẳng định.
Bên cạnh đó, sức hút từ du lịch với ẩm thực đa dạng, văn hóa đặc trưng, chi phí hợp lý của dải đất chữ S cũng là điều kiện lý tưởng để thu hút người hâm mộ quốc tế của bộ môn thể thao thế hệ mới.
Xét về chính sách, game online là dịch vụ được khuyến khích phát triển, công bố trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2021, Liên minh các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử trên mạng tại Việt Nam (VGDA) thành lập với 60 thành viên.
Học Viện Bưu chính viễn thông cũng đang trong quá trình đề xuất chủ trương mở ngành đào tạo Công nghệ game. Đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với cơ quan giáo dục và các doanh nghiệp đang trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực này để xúc tiến hiện thực hóa đề xuất này.
Với các yếu tố trên, theo chuyên gia trong ngành, Việt Nam có cơ hội và tiềm năng lớn phát triển ngành game nói chung và eSports nói riêng. Song song đó, môi trường kinh doanh, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ cũng là những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam mở rộng phát triển ngành thể thao điện tử.
Thy An