Không thiếu nguồn hàng
Theo bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhằm bảo đảm đủ nguồn cung hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, Bộ Công Thương đã chỉ đạo tới sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề nghị thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.
Tại Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan – quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – cho hay: Hà Nội có 29 trung tâm thương mại; 137 siêu thị; 453 chợ; 2.000 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP… Tất cả các điểm bán hàng đều chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng phục vụ Tết.
Tại TPHCM, hiện các doanh nghiệp đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cho dịp cao điểm mua sắm cuối năm và Tết 2024. Các đơn vị cho biết, tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu, nguyên liệu đầu vào tăng… do đó, trong kế hoạch kinh doanh việc giữ giá, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng được ưu tiên.
Phía Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) cho biết, hiện đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ nguồn thực phẩm phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 với tổng ngân sách hơn 540 tỉ đồng. “Trường hợp thị trường có biến động, doanh nghiệp có hàng dự trữ với số lượng khoảng 20% tổng lượng hàng Tết sẽ cung ứng cho thị trường kịp thời” – ông Phan Văn Dũng – Phó Tổng Giám đốc VISSAN cho hay.
Tương tự, Công ty Chăn nuôi và Chế biến Thực phẩm Sài Gòn đã có chương trình khuyến mãi hàng thực phẩm chế biến Xuân 2024 với mức giá ưu đãi từ 10-15%.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng – Giám đốc vận hành hoạt động kiêm Giám đốc Marketing Saigon Co.op – cũng thông tin: Saigon Co.op đã chủ động hàng hóa phục vụ Tết nhằm đảm bảo nguồn cung với giá bán ổn định. Phục vụ Tết và các dịp cuối năm, đơn vị sẽ áp dụng nhiều chính sách ưu đãi để người có thu nhập thấp cũng yên tâm sắm Tết đầy đủ.
Ghi nhận của Lao Động cho thấy, thời điểm này, thị trường hàng hóa đã bắt đầu nhộn nhịp, tuy nhiên sức mua chưa có sự đột biến. Theo ông Nguyễn Minh Hùng – Phó Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương TPHCM – thành phố vừa tổng kết các chương trình kết nối cung cầu với nhiều tỉnh, thành từ 5 khu vực trong cả nước, từ đó đã xây dựng thêm nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa.
Giá hàng hóa sẽ tăng nhẹ, nhưng không “sốt”
Thông tin về nhu cầu tiêu thụ thịt lợn, thịt gia cầm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ông Phan Kim Đăng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), dự báo sẽ tăng khoảng 10-15% so với các tháng khác trong năm.
Cũng theo đại diện Bộ NNPTNT, tổng đàn lợn và gia cầm năm nay tăng 5%, nguồn cung các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm cho dịp cuối năm và Tết sẽ đảm bảo, không lo thiếu. Tuy nhiên, giá các mặt hàng này sẽ tăng theo quy luật hằng năm.
Còn theo bà Lê Việt Nga, giá cả thực phẩm trên thị trường có thể tăng nhẹ vào dịp cuối năm, nhưng các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường vẫn luôn cam kết bán giá ổn định, hoặc thấp hơn thị trường 5-10%.
Người dân chủ động tự túc hàng Tết
Trước tình hình kinh tế khó khăn, nhiều gia đình đã tự chăn nuôi, trồng trọt để chủ động nguồn hàng tết. Ông Hà Văn Thi (chợ Sồng, Trực Ninh, Nam Định) cho hay: Gia đình ông đã thả 2 con lợn Móng Cái nuôi từ 4 tháng trước, đồng thời sẽ trồng thêm nhiều loại rau để chủ động nguồn rau, thịt.
Tìm hiểu của PV cho thấy, không riêng gì người dân nông thôn, mà hiện nay người dân thành phố cũng mua gia súc, gia cầm “gửi” họ hàng ở quê nuôi để Tết có thịt tươi ăn. Với cách làm đó, không chỉ tiết kiệm mà còn đảm bảo nguồn hàng tươi, sạch.
Vũ Long