(Dân trí) – Giống bí thơm khổng lồ cho quả tới gần chục kilôgam, treo như lợn con trên giàn giúp nông dân ở huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa có việc làm, thu nhập ổn định.
Ông Đinh Văn Nguyện, một nông dân 60 tuổi tại khu phố Tén Tằn, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, vừa thu hoạch hơn 6 tạ bí thơm từ 2 sào đất vườn của gia đình. Với giá bán 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, ông Nguyện thu về 6 triệu đồng tiền lãi.
“Lợi nhuận từ bí thơm gấp 5 lần so với các cây trồng khác như ngô, sắn. Chỉ cần bán một quả bí thơm nặng 7kg, tôi có 70.000 đồng, tương đương với tiền bán nửa tạ sắn”, ông Nguyện so sánh.
Bí thơm, được mệnh danh là loại củ quả khổng lồ, có trọng lượng 2-8kg/quả. Mỗi giàn bí treo 40-50 quả đòi hỏi người trồng phải làm khung chắc chắn.
Theo ông Nguyện, bí thơm có mùi thơm đặc trưng từ thân, lá, hoa đến quả. Khi chín, vỏ bí có lớp phấn trắng dày. Bí được dùng để nấu canh, xào, nhúng lẩu, với phần thịt dẻo, thơm, ngọt dịu. Không chỉ quả, nụ và ngọn bí cũng được sử dụng và bán rất chạy.
Bí thơm được trồng từ cuối tháng 2 đến tháng 4 âm lịch và thu hoạch sau 4-6 tháng. Sau khi thu hoạch, bí có thể bảo quản trong 6 tháng, thuận lợi cho việc vận chuyển xa và tối ưu lợi nhuận.
Bí thơm là cây trồng truyền thống của người dân vùng cao, nhưng chỉ trong 3 năm gần đây, việc trồng bí mới được mở rộng và sản xuất theo hướng hàng hóa. Kỹ thuật trồng bí thơm đòi hỏi nhiều công phu từ khâu làm đất, gieo trồng, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là việc làm giàn rất phức tạp.
Ông Vi Văn Thông, Phó Giám đốc Hợp tác xã thương mại Mường Lát, cho biết nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, 1ha bí thơm có thể thu hoạch hơn 10 tấn quả. Với giá bán ổn định 10.000-15.000 đồng/kg, người trồng có thể lãi khoảng 90 triệu đồng/ha. Nghề trồng bí đang tạo việc làm cho hơn 30 lao động tại địa phương.
Hiện nay, bí thơm được trồng theo quy trình sản xuất sạch, an toàn và đã được công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm thế mạnh) 3 sao năm 2022 với tên gọi “Bí thơm Đồng Sa”. Để tạo việc làm và tăng thu nhập cho xã viên, hợp tác xã dự kiến mở rộng diện tích trồng bí thêm 5ha vào năm 2025.
“Chúng tôi đang xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cho bà con xã viên. Dự kiến, hợp tác xã sẽ chế biến nhiều sản phẩm từ bí như làm mứt, trà, kẹo; bán thêm nụ, hoa bí”, ông Thông chia sẻ.
Ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát, cho biết hiện có khoảng 10ha bí thơm được trồng tập trung tại xã Mường Chanh, Quang Chiểu và thị trấn Mường Lát.
“Nhờ đặc tính thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao, bí thơm luôn được thương lái săn đón. Dịp cuối vụ, bí thơm thường “cháy” hàng”, ông Thắng nói.
Với mục tiêu phát triển bí thơm thành cây trồng chủ lực, huyện Mường Lát sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã, hợp tác xã và người dân phục tráng giống bí thơm để mở rộng diện tích trồng.
Nguồn: https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/trong-loai-cay-day-leo-ra-trai-khong-lo-thom-nuc-nong-dan-rung-rinh-tien-20241216205506558.htm