DNVN – Một nhóm các nhà khoa học đã tìm ra nguồn gốc của một tiểu hành tinh có kích thước tương đương một chiếc xe buýt, tồn tại ở rìa quỹ đạo Trái Đất trong vòng hai tháng qua.
Theo báo Daily Mail (Anh), tiểu hành tinh này được gọi là
2024 PT5 và được mệnh danh là “mặt trăng thứ hai” tạm thời của Trái Đất nhờ vào
kích thước cùng sự hiện diện kéo dài gần với hành tinh của chúng ta.
Dữ liệu từ các nhà thiên văn học cho thấy 2024 PT5 đã quay
quanh Trái Đất trong thời gian qua. Họ đưa ra giả thuyết rằng tiểu hành tinh
này có thể là một mảnh vỡ từ Mặt Trăng, được tạo ra trong một vụ va chạm lớn
gây hư hại bề mặt của Mặt Trăng bởi các hố va chạm.
Quan điểm chủ đạo về nguồn gốc của Mặt Trăng được biết đến
là “giả thuyết va chạm khổng lồ”, giải thích rằng Mặt Trăng hình thành từ một mảnh
lớn quay quanh quỹ đạo Trái Đất.
Theo giả thuyết này, khoảng 4 tỷ năm trước, hành tinh của
chúng ta đã xảy ra va chạm với một thiên thể có kích thước tương đương sao Hỏa.
Vụ va chạm đã đẩy các mảnh vật chất từ Trái Đất ra ngoài không gian, và những mảnh
vỡ đó dần ngưng tụ tạo thành Mặt Trăng.
Nếu các giả thuyết trên cùng với phân tích về nguồn gốc của
tiểu hành tinh 2024 PT5 được xác nhận, điều đó có thể khẳng định rằng Mặt Trăng
thực sự là “cha mẹ” của tiểu hành tinh này, còn Trái Đất chính là “ông
bà”.
“Mặt trăng thứ hai” đã bắt đầu rời xa quỹ đạo Trái Đất vào
ngày 25/11 sau khi chịu lực hút của Mặt Trời kéo ra ngoài không gian.
Giáo sư Carlos de la Fuente Marcos, tác giả chính của nghiên
cứu đến từ Đại học Complutense de Madrid, khẳng định: “Có nhiều bằng chứng cho
thấy tiểu hành tinh này có thể có nguồn gốc từ Mặt Trăng”.
Ông nhận xét: “Nghiên cứu hiện tại chỉ ra 2024 PT5 quay
nhanh với chu kỳ quay dưới 1 giờ. Điều này có thể dự đoán được nếu 2024 PT5 là
một tảng đá lớn từ bề mặt Mặt Trăng hoặc một mảnh vỡ từ một vật thể lớn
hơn”.
Tiểu hành tinh này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 8
và bị lực hấp dẫn của Trái Đất cuốn vào quỹ đạo vào tháng 9. 2024 PT5 đến từ
vành đai tiểu hành tinh Arjuna, một tập hợp các thiên thạch quay quanh Mặt Trời
ở khoảng cách trung bình 150 triệu km, có quỹ đạo tương tự quỹ đạo của Trái Đất.
Ông Carlos de la Fuente Marcos chia sẻ với Space.com: “Một số
vật thể trong vành đai tiểu hành tinh Arjuna có thể tiếp cận Trái Đất ở khoảng
cách gần, chỉ khoảng 4,5 triệu km, với tốc độ tương đối thấp dưới 3.540 km/giờ”.
Theo NASA, 2024 PT5 chưa bao giờ thực sự đi vào quỹ đạo của
hành tinh chúng ta. Do đó, về mặt kỹ thuật, tiểu hành tinh này không được coi
là một mặt trăng thực sự, nhưng vẫn là một “vật thể thú vị” xứng đáng
để nghiên cứu.
Giáo sư Carlos de la Fuente Marcos cho biết thêm, để được
công nhận là một mặt trăng nhỏ, tiểu hành tinh phải tiến lại gần Trái Đất trong
phạm vi 4,5 triệu km với tốc độ tương đối chậm, khoảng 3.540 km/giờ.
Trong hai tháng quay quanh Trái Đất với quỹ đạo hình móng ngựa,
2024 PT5 đã mang lại đủ thời gian cho các nhà thiên văn học nghiên cứu về
nó.
Dự kiến, vào tháng 1/2025, 2024 PT5 sẽ tiếp cận Trái Đất lần
nữa ở khoảng cách chỉ 1,7 triệu km, trước khi rời khỏi quỹ đạo và không trở lại
cho đến năm 2055.
Giáo sư Carlos de la Fuente Marcos nhận định: “Tôi sẽ không
thực sự buồn khi thấy 2024 PT5 biến mất. Các mặt trăng nhỏ đến và đi theo ý muốn.
Tôi chỉ đang chờ đợi mặt trăng tiếp theo. Thời gian chờ đợi đó sẽ không lâu. Lần
tiếp theo có thể sẽ diễn ra trong vài tháng tới. Các cuộc khảo sát Vật thể gần
Trái Đất đang diễn ra hiện đã đủ nhạy để thu thập những vật thể này một cách
thường xuyên”.
Linh Chi (t/h)
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/he-lo-su-that-ve-mat-trang-thu-hai-tam-thoi-cua-trai-dat/20241127091748918