Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Tác hại nguy hiểm của nhai thuốc khi uống; Nên uống trà xanh hay trà đen?; Cách kiểm soát cơn đau đầu gối…
Phát hiện thói quen buổi sáng giúp hạ huyết áp và ngủ ngon vào buổi tối
Tiến sĩ Michael Mosley, chuyên gia sức khỏe, cựu bác sĩ người Anh, đã tiết lộ một thói quen buổi sáng có thể giúp bạn hạ huyết áp và có giấc ngủ ngon vào buổi tối.
Nhiều người có thói quen mở mắt là cầm điện thoại lướt mạng, nhưng điều đó thực sự không có lợi cho bạn. Đây không phải là cách tốt để bạn bắt đầu ngày mới.
Thay vào đó, tiến sĩ Michael Mosley đã khuyên bạn nên thay đổi và tạo thói quen mới cho bản thân. Thói quen này không chỉ giúp bạn cảm thấy dễ chịu vào buổi sáng, mà còn giúp hạ huyết áp, ngủ ngon hơn vào ban đêm.
Tiến sĩ Mosley cho biết đi bộ nhanh trong vòng 2 giờ đầu sau khi thức dậy có thể giúp bạn ngủ ngon hơn vào đêm hôm sau, vì ánh sáng tự nhiên ngoài trời sẽ giúp điều hòa đồng hồ sinh học.
Ngoài việc giúp bạn ngủ ngon hơn, bác sĩ Mosley cho biết điều đó rất tốt cho sức khỏe tổng thể và bằng cách tăng tốc độ, bạn có thể giúp duy trì sức khỏe tim mạch, điều chỉnh cơn đói, tâm trạng và đặc biệt là giảm huyết áp. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 9.11.
Tác hại nguy hiểm của nhai thuốc khi uống
Có một số nguyên nhân khiến người bệnh nhai thuốc khi uống. Đó có thể là do thói quen, do đau sau phẫu thuật, trào ngược, thậm chí là vấn đề tâm lý. Đối với một số loại thuốc, cách uống này sẽ có hại.
Thuốc viên được thiết kế để người bệnh uống nguyên viên. Khi vào dạ dày, thuốc sẽ hấp thụ nước và vỡ ra. Sau đó, thuốc sẽ tan trong một khoảng thời gian rồi hấp thụ vào máu và di chuyển khắp cơ thể.
Việc nhai, nghiền nát thuốc hoặc trộn với thức ăn, mà không có chỉ dẫn của bác sĩ sẽ khiến thuốc không hoạt động bình thường. Trong một số trường hợp, cách làm này có thể gây nguy hiểm.
Nguyên nhân đầu tiên không nên nhai hay nghiền nát thuốc là nguy cơ quá liều. Thuốc viên được thiết kế là khi vào dạ dày sẽ phân rã và hấp thụ từ từ vào máu. Việc nhai, nghiền nát thuốc sẽ đẩy nhanh quá trình phân rã trong dạ dày, khiến thuốc hấp thụ nhanh vào máu. Hệ quả là khiến một lượng lớn hóa chất trong thuốc ngấm vào máu đi khắp cơ thể và dẫn đến quá liều.
Không những vậy, có những loại thuốc viên còn được bao bọc bằng một lớp phủ đặc biệt để tránh thuốc phân rã quá sớm khi vào dạ dày. Mục đích của lớp bao phủ này là giúp thuốc có thể đi qua môi trường a xít dạ dày và chỉ bắt đầu phân rã khi đã vào đến ruột non. Nếu nhai, nghiền thì lớp bao phủ bị phá vỡ, thuốc được hấp thụ sớm trong dạ dày và có thể không còn tác dụng. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 9.11.
Nên uống trà xanh hay trà đen?
Trà là một loại thức uống phổ biến, được nhiều người sử dụng hằng ngày. Tuy nhiên việc lựa chọn trà xanh hay trà đen vẫn còn khiến người phân vân.
Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà (Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết trà xanh và trà đen có những tác dụng giống nhau có thể kể đến như chứa hàm lượng cao chất chống oxy hóa giúp phòng ngừa các bệnh tim mạch, tăng cường chức năng não, đồng thời tăng sự trao đổi chất, khả năng miễn dịch, giúp giải độc và mang lại làn da tươi sáng; ngăn ngừa một số bệnh ung thư (ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư vú, ung thư ruột kết, ung thư da…).
Sự khác biệt chính giữa hai loại trà do từ quá trình sản xuất. Trong sản xuất, trà đen được tiếp xúc không khí để kích hoạt quá trình oxy hóa, làm cho lá chuyển sang màu nâu sẫm, nâng cao hương vị và độ đậm đà. Trong khi đó, trà xanh được chế biến chống quá trình oxy hóa nên có màu nhạt hơn. Kết quả cho ra hai hương vị, màu sắc khác nhau nhưng không làm ảnh hưởng đến tác dụng chính của trà.
Bên cạnh đó, cả hai loại trà này đều chứa các chất kích thích như caffein và L-theanine. Tuy nhiên, trà đen có lượng caffein nhiều hơn so với trà xanh nên trà đen sẽ phù hợp với những người muốn tìm loại caffein nhẹ hơn cà phê một chút. Trà xanh có thể cân bằng và làm dịu tác dụng của caffein do chứa nhiều chất L-theanine nên sẽ phù hợp hơn với nhóm người nhạy cảm với chất này. Do đó, quyết định nên uống loại trà nào sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của người sử dụng. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!