Các nhà nghiên cứu cho rằng cá, tôm và gấu nước có thể trở thành những động vật đầu tiên sống trên Mặt Trăng và sao Hỏa cùng với con người.
NASA lên kế hoạch xây dựng khu định cư vĩnh viễn trên Mặt Trăng vào cuối thế kỷ, sau đó là công cuộc khám phá sao Hỏa bởi con người. Nhưng khi chúng ta thiết lập căn cứ ngoài Trái Đất, con người sẽ cần mang theo một hệ sinh thái, bao gồm động vật. Sau tất cả, động vật có thể giúp thực hiện những công việc quan trọng như côn trùng thụ phấn, tôm cá nuôi ở hố nhỏ dùng làm thức ăn hoặc gấu nước giúp tìm ra cách xử lý bức xạ. Tuy nhiên, giới nghiên cứu chưa có sự thống nhất về loài vật có thể sống trên Mặt Trăng và xa hơn là sao Hỏa, theo Live Science.
Theo David Catling, nhà sinh vật học vũ trụ ở Đại học Washington tại Seattle, hệ sinh thái phức tạp ngoài Trái Đất vẫn còn là điều xa vời trong tương lai và thiên về khoa học viễn tưởng hơn là nghiên cứu khoa học thực tế. Rõ ràng, lực hấp dẫn có thể là trở ngại lớn.
“Vấn đề chủ chốt là lực hấp dẫn giảm đi”, Christopher McKay, nhà khoa học hành tinh ở Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA, cho biết. Lực hấp dẫn Mặt Trăng và sao Hỏa chỉ bằng 1/6 và 1/3 so với Trái Đất. Nơi ở có thể xây theo nhiệt độ, áp suất và khí quyển quen thuộc như sống trên Trái Đất, nhưng không có cách nào để thay đổi lực hấp dẫn.
Tình huống tốt nhất là động vật sẽ phát triển trên sao Hỏa và Mặt Trăng như trên Trái Đất, nhưng chưa có dữ liệu về điều đó. Lực hấp dẫn thay đổi có thể ảnh hưởng tới phát triển cơ và xương, khiến động vật trên sao Hỏa không thể đứng hoặc đi lại bình thường. Trong những điều kiện này, động vật nhỏ như chuột và loài thủy sinh nhiều khả năng là lựa chọn tốt nhất. Theo McKay, do thách thức từ vũ trụ, động vật đơn giản như côn trùng hoặc loài giáp xác có thể bền bỉ hơn.
Việc định cư trong vũ trụ cũng đòi hỏi tiết kiệm tài nguyên và hiệu suất cao. Do cá và các động vật thủy sinh khác được hỗ trợ bởi lực nổi, thay đổi ở lực hấp dẫn sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của chúng, McKay suy đoán. Cá có thể trở thành vật nuôi tốt do chúng kiếm ăn hiệu quả hơn và tạo ra ít chất thải hơn so với động vật sống trên cạn, theo bài báo năm 2021 trên tạp chí Frontiers in Astronomy and Space Sciences. Từ năm 2019, chương trình Lunar Hatch tìm hiểu tính khả thi của việc vận chuyển trứng cá vào vũ trụ để ấp nở. Nếu có thể sống sót qua hoạt động phóng và bay trong không gian, cá sẽ là nguồn thức ăn giàu protein và hiệu quả hơn gia súc.
Côn trùng cũng là vật nuôi khả thi trong vũ trụ, theo báo cáo năm 2020 từ Đại học Nam Australia và Đại học vũ trụ quốc tế ở Pháp. Côn trùng như châu chấu (Acheta domesticus) là khả thi và rẻ nhất, cung cấp nguồn protein chất lượng đồng thời sử dụng ít không gian và nước hơn các nguồn protein truyền thống. Trong hệ thống hỗ trợ sự sống khép kín như môi trường sống nhân tạo để con người và động vật tồn tại trên sao Hỏa, côn trùng có thể phục vụ nhiệm vụ quan trọng như thụ phấn, xới đất và dọn tạp chất, đồng thời là nguồn cung cấp thức ăn dự phòng trong trường hợp hoa màu thất thu, theo Catling.
Giống như côn trùng, các loài giáp xác có thể được nuôi trong không gian chật hẹp như một nguồn thức ăn hiệu quả. Tôm có thể nuôi trong những bể nhỏ trong hệ thống thủy canh giúp trồng cây.
Để thuộc địa hóa Mặt Trăng, các nhà nghiên cứu đang chú ý tới gấu nước. Sinh vật nhỏ bé sống dai này thể hiện khả năng chịu điều kiện cực hạn, bao gồm nhiệt độ và độ lạnh cực cao, bức xạ và chân không vũ trụ. Những nhiệm vụ trong quá khứ cho thấy chúng vẫn sống được sau khi trải qua 12 ngày tiếp xúc với chân không vũ trụ và có thể sinh sản mà không chịu tác động tiêu cực trong chuyến bay vào không gian. Dù không trực tiếp tham gia vào hệ sinh thái của con người, nghiên cứu gấu nước trong không gian có thể hé lộ chúng chịu đựng điều kiện cực hạn như bức xạ bằng cách nào, qua đó mô phỏng đặc điểm đó ở tổ chức sống khác.
An Khang (Theo Live Science)