Nam PhiCây mọng nước Bababoutjies, loài vật đặc hữu ở thung lũng Klein Karoo, chỉ cao 6 cm nhưng gây chú ý nhờ hình dạng độc đáo.
Loài cây nhỏ bé mọc trong một thung lũng rộng lớn với những ngọn núi bao quanh ở Nam Phi thường khiến mọi người bật cười. Nguyên nhân khiến loài cây chỉ cao 6 cm này gây cười được hé lộ trong chính tên gọi của nó: Bababoutjies – nghĩa là mông em bé, Live Science hôm 12/8 đưa tin.
Bababoutjies (Gibbaeum heathii) là loài cây mọng nước mọc theo cụm, phát triển 2 – 3 lá trơn nhẵn hình cầu, những lá già hơn sẽ bảo vệ lá mới, cùng mọc ở gốc và che phủ thân cây. Hoa mọc xuyên qua trung tâm vào khoảng cuối đông đầu xuân, màu sắc thay đổi từ trắng, hồng đến vàng. Lá cây thường màu xanh xám, nhưng khi lá mới mọc ra, những chiếc lá già hơn có thể chuyển sang màu hồng dưới một số điều kiện nhất định, khiến cây trông càng giống mông em bé.
“Nhiều loài cây mọng nước đổi màu từ xanh sang đỏ và đó thường là phản ứng trước sự căng thẳng do nước và ánh sáng gây ra. Nếu cây nhận được quá nhiều ánh sáng, chúng sẽ đỏ lên để tự bảo vệ khỏi cháy nắng. Ngoài ra, nếu thiếu nước trong thời gian dài, chúng cũng có thể chuyển đỏ nhằm đối phó với tình trạng này”, Paul Rees, quản lý vườn ươm tại Vườn Thực vật Hoàng gia Kew ở London, cho biết.
Bababoutjies là loài đặc hữu ở Klein Karoo, tỉnh Western Cape, Nam Phi. Tại đây, chúng mọc giữa các tảng đá quartzite, loại đá phản xạ nhiệt, tạo ra môi trường mát mẻ hơn cho chúng, theo Viện Đa dạng sinh học Quốc gia Nam Phi. Klein Karoo là thung lũng rộng 40 – 60 km, dài 350 km. Thung lũng có nhiều núi bao quanh nên lượng mưa hàng năm rất ít.
Theo Hiệp hội Thực vật Nam Phi, Klein Karoo là một phần thuộc Quần xã Karoo Mọng nước của Nam Phi – một trong những môi trường sống của cây mọng nước phong phú và đa dạng nhất hành tinh. Ước tính khoảng 3.200 loài thực vật sống ở Klein Karoo, trong đó 400 loài không hiện diện ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Nhiều loài trong số này đang bị đe dọa do nạn thu hái bất hợp pháp để buôn bán làm vườn, do chăn thả gia súc quá mức và biến đổi khí hậu. Klein Karoo dự kiến hứng chịu hạn hán ngày càng dữ dội trong thế kỷ tới. Các nhà nghiên cứu cho biết, điều đó có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc cho thực vật ở vùng đất vốn rất đa dạng sinh học này.
Thu Thảo (Theo Live Science)