New ZealandDo thói quen ăn nhiều trái cây và sưởi nắng, chim kereru có thể trở nên say xỉn do trái cây trong diều lên men thành rượu.
Chim kereru (Hemiphaga novaeseelandiae) là loài bồ câu bản địa của New Zealand, thường có đầu màu xanh và ngực trắng, cơ thể chúng dài khoảng 51 cm.
Dù có vẻ ngoài tròn trịa đẹp mắt và bộ lông óng mượt, chúng được biết đến nhiều nhất do “thói say xỉn”, IFL Science hôm 29/11 đưa tin. Tình trạng này bắt nguồn từ việc chúng thích ăn trái cây. Cụ thể là ăn trái cây rồi phơi nắng với diều chứa đầy chất hữu cơ dễ lên men.
Diều là một phần hệ tiêu hóa của một số loài chim. Toàn bộ bồ câu đều có diều và kereru cũng không ngoại lệ. Khi trái cây dồi dào, kereru sẽ nhồi nhét một lượng lớn thức ăn vào cơ thể nhờ chiếc diều có khả năng giãn rộng. Đây là sự thích nghi về mặt giải phẫu, cho phép chúng đánh chén thật nhiều thức ăn một cách nhanh chóng rồi tích trữ, trong khi phần còn lại của hệ tiêu hóa xử lý lượng thức ăn dồi dào.
Trái cây được nhồi nhét trong diều, mang lại cho kereru vẻ ngoài tròn trịa sau khi ăn. Tuy nhiên, chúng thích đậu ở những nơi nhiều nắng. Do đó, chiếc diều chứa đầy trái cây ấm lên có thể bắt đầu lên men và tạo ra rượu. Con người sẽ không bị say theo cách tương tự vì có cơ thể to lớn hơn nhiều. Nhưng chim kereru nhỏ bé có thể trở nên say xỉn.
Trung tâm Phục hồi sức khỏe cho Chim Bản địa ở Whangarei, New Zealand, từng tiếp nhận tới 60 con kereru say rượu vào năm 2010. “Chúng tới trong tình trạng say khướt. Thật kỳ quặc khi mọi người mang đến cho chúng tôi hàng tá chim bồ câu say xỉn”, Robert Webb, quản lý tại trung tâm, cho biết.
Kereru được chọn là Loài chim của năm 2018 tại New Zealand trong một cuộc bình chọn của tổ chức Forest and Bird. Kereru rất quan trọng với cảnh quan New Zealand. Chúng là loài chim bản địa duy nhất với chiếc mỏ đủ lớn để ăn một số loại quả có hạt lớn nhất tại quốc gia này. Vì vậy, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc phân tán các loài thực vật.
Thu Thảo (Theo IFL Science)