Hiệu trưởng Đại học Công nghệ lo nhiều sinh viên dính “bẫy thu nhập trung bình”, vì lương 5-10 triệu trước mắt mà bỏ ngang đại học, gây hệ lụy về sau.
GS Chử Đức Trình nói điều này trước hàng nghìn sinh viên và gần 60 doanh nghiệp tham gia ngày hội việc làm “UET Job Fair 2024” của trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, sáng 30/3.
Ông Trình cho rằng sinh viên chỉ nên đến doanh nghiệp thực tập, học về kỷ luật, văn hóa, định hướng làm việc của công ty. Các doanh nghiệp không nên tuyển hoặc giao việc chính cho sinh viên chưa tốt nghiệp.
Hiện, nhiều doanh nghiệp vẫn làm điều này. “Đó là cách làm ăn xổi, không bền vững”, ông Trình nói. “Đây là thông điệp rất mạnh mẽ mà trường Đại học Công nghệ gửi tới các doanh nghiệp những năm gần đây”.
Ông dẫn chứng tại trường Đại học Công nghệ, tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn hàng năm vào khoảng 60%. Cộng với số tốt nghiệp muộn, tỷ lệ sinh viên có bằng ở mỗi khóa khoảng 90%, tức vẫn còn 10% không được lấy bằng.
Lý do tốt nghiệp muộn và không lấy bằng chủ yếu do sinh viên đi làm sớm, mải mê làm việc mà bỏ bê nhiệm vụ chính là học tập. Trong số không lấy được bằng, một lượng rất nhỏ sinh viên giỏi, khởi nghiệp sớm, còn đa số dính “bẫy thu nhập trung bình”.
“Bẫy thu nhập trung bình chỉ việc các em đi làm sớm, có thu nhập sớm nhưng nhiều năm cũng không thể đạt được mức lương, vị trí cao hơn, mà chỉ có thể là nhân công bình thường”, ông Trình nói. Mức này, theo ông khoảng 5-10 triệu đồng một tháng.
GS Trình lý giải sinh viên đi làm sớm sẽ bỏ lỡ những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong trường. Sau tốt nghiệp, các em khó làm những việc mang tính đổi mới sáng tạo, bị gạt ra khỏi nhóm lao động chất lượng cao mà thị trường đang cần.
Ông Phạm Tuấn Anh, đại diện Nền tảng tuyển dụng Joboko và bà Đậu Thanh Hòa, Trưởng phòng nhân sự Công ty LG Electronics R&D Việt Nam, cũng đồng tình.
Ông Tuấn Anh nhìn nhận thực trạng sinh viên bỏ học, đi làm sớm rồi sau đó không lấy bằng phổ biến hơn ở nhóm ngành công nghệ, ở các trường top đầu và rơi vào những sinh viên có năng lực tốt.
Lý do là doanh nghiệp công nghệ thường không quan tâm đến bằng cấp mà đánh giá năng lực làm việc thực tế tại một thời điểm. Nếu phù hợp, họ sẽ tuyển dụng.
“Tuy nhiên, có thể sau 5 năm nữa, năng lực làm việc của sinh viên đó không thể đáp ứng như các sinh viên hoàn thành đầy đủ chương trình đại học, còn doanh nghiệp cần nguồn lực có khả năng tốt để đi xa”, ông Tuấn Anh nói.
Tương tự, bà Hòa nói từng chứng kiến những sinh viên đi làm sớm khi chưa có bằng hoặc bỏ học, rồi bị ảnh hưởng đến sự nghiệp về sau.
“Vì vậy, chúng tôi khuyên sinh viên học tập trung, có thể tham gia các dự án khi ngồi trên ghế nhà trường”, bà Hòa nói. Công ty bà Hòa cũng không tuyển sinh viên đang đi học.
Ông Tuấn Anh đánh giá cao những sinh viên cân đối được thời gian để vừa học, vừa làm. Ông vẫn cho rằng sinh viên nên tiếp cận môi trường doanh nghiệp từ sớm để hiểu quy trình làm việc và nhu cầu của thị trường lao động. Từ đó, các em điều chỉnh cách học, làm quen với những công nghệ mới chưa có trong nhà trường.
Tuy nhiên, việc này chỉ nên dừng lại ở mức làm quen. “Học tập vẫn phải là ưu tiên hàng đầu để nắm bắt kiến thức, kỹ năng cốt lõi”, ông nói.
Thống kê năm 2022 cho thấy tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp muộn ở nhiều trường công nghệ khoảng 30-50%, cao hơn các trường khác. Ở trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, gần 50% sinh viên tốt nghiệp muộn. Còn Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Công nghệ, tỷ lệ đều khoảng 30%.