Binh sĩ Ukraine hài lòng với Leopard 1A5, dù chúng bị đánh giá là “xe tăng có vỏ giáp tệ nhất” trong chiến sự giữa nước này với Nga.
“Chúng tôi đã tham gia một số lần giao tranh”, Grigorii, một thành viên kíp xe tăng Leopard 1A5 của Ukraine nói ngày 27/11. Grigorii dường như là binh sĩ thuộc lữ đoàn 44 của Ukraine, đơn vị đang vận hành một số chiếc Leopard 1 và thiết giáp BMP-1.
Các binh sĩ Ukraine thể hiện sự hài lòng với những chiếc Leopard 1A5, biến thể hiện đại hóa ra mắt vào những năm 1980 của dòng Leopard 1, bất chấp mẫu xe tăng chủ lực do Đức chế tạo được coi là “mẫu xe tăng có vỏ giáp tệ nhất chiến sự Nga – Ukraine”.
Leopard 1A5 là xe tăng do Porsche, hãng chuyên chế tạo xe sang của Đức, phát triển. Dòng xe tăng này tập trung vào khả năng cơ động và hỏa lực, do nhà thiết kế tin rằng đạn chống tăng nổ lõm (HEAT) sẽ khiến xe tăng mang giáp hạng nặng trở nên lỗi thời.
Với triết lý đó, giáp thép 70 mm của Leopard 1A5 chỉ dày hơn xe thiết giáp một chút, khiến nó rất dễ bị tổn thương trước những loại hỏa lực chống tăng trên chiến trường hiện đại. Xe Leopard 1A5 xuất hiện trên chiến trường Ukraine với cấu hình chiến đấu cơ bản nhất, không có bất kỳ biện pháp tăng cường phòng vệ nào như giáp phản ứng nổ và giáp lồng, để đối phó với những loại tên lửa chống tăng và máy bay không người lái (UAV) đang được Nga sử dụng rộng rãi.
“Ngay cả những chiếc T-55 ra đời từ thập niên 1950 được lực lượng Nga triển khai, cùng mẫu M-55S do Slovenia nâng cấp và chuyển cho Ukraine, cũng có khả năng phòng vệ tốt hơn Leopard 1A5”, chuyên gia quân sự David Axe của Forbes nhận xét.
Dù vậy, các binh sĩ Ukraine tin rằng điểm mạnh của xe tăng Leopard 1A5 không nằm ở khả năng phòng vệ. “Nó có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 3,5-5 km”, binh sĩ Ukraine tên Vitalii nói. “Công nghệ trên xe tăng Nga không cho phép họ đấu pháo tầm xa với chúng tôi”.
Leopard 1 được trang bị pháo chính L7A3 L/52 105 mm với rãnh khương tuyến, có tầm bắn tối đa 4 km. L7A3 có uy lực kém hơn so với các mẫu pháo 120 mm trên xe tăng phương Tây hiện đại như Leopard 2 và M1 Abrams, nhưng vẫn là vũ khí hiệu quả trên chiến trường.
Xe tăng Leopard 1 được đánh giá có khả năng tác chiến tốt nhờ hệ thống chiến đấu tích hợp, bao gồm pháo và hệ thống ổn định nòng, kính ngắm quang học dành cho xạ thủ và hệ thống điều khiển hỏa lực được vi tính hóa.
Một số chiếc Leopard 1A5 của Đức và Đan Mạch sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực EMES-18 tương tự xe tăng Leopard 2. Hệ thống này cho phép xạ thủ ngắm bắn qua kính ngắm, dùng một cần điều khiển để đánh dấu mục tiêu, kích hoạt tia laser để máy tính tính toán tầm bắn và khai hỏa.
Với hệ thống EMES-18, nòng pháo sẽ tự động được nâng hạ theo dữ liệu của máy tính, không cần pháo thủ phải căn chỉnh góc bắn. Do tốc độ tính toán của máy tính rất nhanh, xe tăng Leopard 1A5 chỉ mất một giây để điều chỉnh góc bắn sau khi đọc thông số từ tia laser.
Theo Grigorii, kíp lái Leopard 1A5 Ukraine có thể bắn vài viên đạn từ xa rồi tăng tốc rời khỏi vị trí trước khi lực lượng Nga đáp trả. Binh sĩ này thậm chí tin rằng họ có thể thực hiện các đợt tấn công chớp nhoáng bằng một xe tăng Leopard 1A5. “Chúng tôi có thể trốn thoát bằng một chiếc xe tăng”, Grigorii nói.
Khu vực miền đông Ukraine đang có tuyết, thời tiết ẩm và lạnh giá. Lữ đoàn số 44 Ukraine, một trong các đơn vị đầu tiên của Ukraine vận hành xe tăng Leopard 1A5, đang chủ yếu phòng ngự trước các đợt tấn công của Nga.
Lái xe tăng Rouslan cho biết với khả năng lùi nhanh, Leopard 1A5 hoạt động tốt trong điều kiện thời tiết này. “Xe tăng rất dễ kiểm soát”, Rouslan, cựu tài xế máy kéo, nhận định.
Tính cơ động cao được đánh giá là một trong những lợi thế của kíp vận hành Leopard 1A5. Nếu xe tăng không linh hoạt trên chiến trường, họ rất dễ bị hỏa lực Nga tiêu diệt, do vỏ giáp của xe tăng rất mỏng.
Các huấn luyện viên Đan Mạch từng đào tạo kíp vận hành xe tăng Leopard 1 cho Ukraine nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ động nhanh chóng và thường xuyên để tránh hỏa lực đối phương. “Leopard 1 được chế tạo để vừa chạy vừa bắn”, một huấn luyện viên nhận định.
Đan Mạch, Đức và Hà Lan hồi tháng 2 thông báo sẽ viện trợ ít nhất 135 xe tăng Leopard 1A5 cho Ukraine, đồng thời cam kết huấn luyện binh sĩ vận hành, cung cấp hậu cần, phụ tùng thay thế và đạn dược.
Xe tăng Leopard 1 được Đức phát triển từ những năm 1950-1960, bắt đầu sản xuất và biên chế năm 1965. Biến thể Leopard 1A5 được nâng cấp từ mẫu đầu tiên và hiện có tuổi đời gần 60 năm. Đức sau đó loại biên mẫu Leopard 1 và thay thế bằng xe tăng chủ lực Leopard 2.
Nhiều quan chức Đức cho rằng Leopard 1A5 có thể là lựa chọn thay thế hữu ích cho Leopard 2A6, mẫu xe tăng chủ lực có giá đắt hơn nhiều lần với số lượng sẵn có không cao.
Một số chuyên gia phương Tây cũng nhận định Leopard 1 vẫn có sức mạnh vượt trội so với các mẫu xe tăng chủ lực thời Liên Xô như T-72 của Nga, thêm rằng chúng sẽ phát huy hiệu quả sau khi được tân trang.
Nguyễn Tiến (Theo AFP, Forbes)