Giới chức Thụy Sĩ phủ quyết kế hoạch xuất khẩu gần 100 chiếc Leopard 1 cho Ukraine, dù chưa biên chế hay vận hành số xe tăng này.
“Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ kết luận không thể bán 96 xe tăng theo luật hiện tại. Thương vụ như vậy sẽ trái với Đạo luật Vật tư Quân sự và dẫn tới thay đổi chính sách trung lập của Thụy Sĩ”, cơ quan này ngày 28/6 thông báo.
Công ty Ruag của Thụy Sĩ mua lại 96 xe tăng Leopard 1 của Italy vào năm 2016, song chưa bao giờ chuyển về nước. Hãng Ruag lên kế hoạch bán số xe tăng này cho nước thứ ba sau khi tân trang lại chúng. Ruag hồi đầu năm xin giấy phép xuất khẩu số xe tăng này cho tập đoàn vũ khí Đức Rheinmetall, bên dự định tân trang và bán chúng cho Ukraine.
Thụy Sĩ từng nhiều lần phản đối xuất khẩu hoặc từ chối cấp phép tái xuất vũ khí do nước này chế tạo sang Ukraine. Điều này do trạng thái trung lập, một trụ cột chính trong chính sách an ninh và đối ngoại của Thụy Sĩ, không cho phép nước này tham gia vào xung đột của hai quốc gia khác hoặc cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp hay gián tiếp cho bất cứ bên tham chiến nào.
Thụy Sĩ trong bất cứ hợp đồng bán vũ khí và vật tư quân sự nào đều yêu cầu đối tác không chuyển giao chúng sang nước thứ ba nếu Bern không đồng ý trước. Trong trường hợp quốc gia thứ ba đang liên quan đến xung đột vũ trang trong nước hoặc quốc tế, Thụy Sĩ sẽ từ chối cấp phép xuất khẩu vũ khí và đạn dược. Đây là các thông lệ mà quốc tế công nhận rộng rãi.
Hãng Rheinmetall của Đức ngày 4/3 cho biết họ muốn mua 96 xe tăng Leopard 1 từ công ty Ruag, sau đó tân trang và chuyển cho Ukraine. Đức khi đó cũng đề nghị Thụy Sĩ bán lại một số xe tăng Leopard 2 đã loại biên để bù đắp thiếu hụt trong quân đội các nước thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU), sau khi họ viện trợ Ukraine loại tăng chủ lực này.
Porsche phát triển xe tăng chủ lực Leopard 1 vào những năm 1960, với hơn 4.700 chiếc đã xuất xưởng. Leopard 1 nặng 42,2 tấn, được trang bị pháo với rãnh khương tuyến L7A3 105 mm, hai súng MG-3 hoặc FN MAG, có thể đạt tốc độ tối đa 65 km/h với tầm hoạt động 450-600 km.
Leopard 1 có trọng lượng nhẹ và hỏa lực kém hơn Leopard 2, mẫu xe tăng nặng hơn 62 tấn được trang bị pháo nòng trơn Rh-120 120 mm cùng giáp tiên tiến. Đức cũng dùng thân xe Leopard 1 để chế tạo pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard với hai pháo Oerlikon GDF 35 mm và radar theo dõi mục tiêu.
Nguyễn Tiến (Theo FT)