Chiều 14-8, tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục tiểu học, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các trường học.
Theo đó, năm học 2023 – 2024, toàn thành phố có 561 trường tiểu học và trường phổ thông có cấp tiểu học.
Đối với hệ thống trường công lập, số học sinh được học 2 buổi/ngày tăng 4% so với năm học trước, chiếm tỉ lệ 78,8%.
Các địa phương gồm quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 10, Phú Nhuận, huyện Cần Giờ, Nhà Bè có tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt 100%.
Theo ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), tình trạng thiếu giáo viên ở các trường học chưa thể khắc phục do không tuyển dụng được giáo viên, nhất là giáo viên các môn năng khiếu, tiếng Anh, tin học.
Một trong các nguyên nhân dẫn đến việc không tuyển dụng được là do sinh viên chưa mặn mà đăng ký ứng tuyển vào ngành giáo dục; các chính sách thu hút, hỗ trợ giáo viên chưa đủ giúp giáo viên ổn định cuộc sống, nhất là giáo viên ngoại tỉnh.
Để giải quyết khó khăn đó, các trường sử dụng giải pháp tạm thời là ký hợp đồng, thỉnh giảng giáo viên trong thời gian chưa tuyển dụng đủ nhân sự đảm bảo hoạt động cho đơn vị; chủ động liên hệ các trường đại học tìm kiếm nguồn giáo viên còn thiếu để tạo nguồn tuyển dụng cho đơn vị.
Song song đó, các trường tiếp tục xây dựng đề án vị trí việc làm bổ sung và kế hoạch tuyển viên chức theo nhu cầu của đơn vị báo cáo Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận huyện để được phân bổ chỉ tiêu, xác định lộ trình bố trí đủ giáo viên thông qua nhiều hình thức như đào tạo mới, đào tạo liên thông, đào tạo nâng cao trình độ chuẩn, tuyển dụng bổ sung cho các đơn vị.
Sở GD-ĐT TPHCM đang tích cực tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM ban hành Nghị quyết về hỗ trợ giáo dục tiểu học TPHCM, nhằm tăng thêm chính sách chăm lo đội ngũ giáo viên.
Để chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị các trường chủ động rà soát cơ sở vật chất, thực hiện việc sửa chữa, nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 – 2025.
Cùng với đó, trường học đẩy mạnh xã hội hóa nhằm đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc cho rằng, bên cạnh việc triển khai chương trình giáo dục và các chỉ đạo chuyên môn của Bộ GD-ĐT, ngành giáo dục và đào tạo TPHCM còn ghi dấu ấn riêng thông qua nhiều hoạt động như Hội thi giáo viên dạy giỏi, Ngày hội “Em yêu sử Việt”, Liên hoan phim cấp tiểu học với chủ đề “Quê hương tôi – Nguồn cảm hứng”…
Đặc biệt, việc triển khai thí điểm học bạ số và giáo dục kỹ năng số cho học sinh tiểu học là một trong những nỗ lực của TPHCM đi đầu trong việc nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Tới đây, năm học 2024-2025, thành phố tập trung triển khai nhiều đề án quan trọng như xây dựng 4.500 phòng học chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; mở rộng mô hình trường học thông minh, lớp học số…
Năm học 2024-2025, các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM phấn đấu đảm bảo tỷ lệ 1 phòng học/lớp và 1,5 giáo viên/lớp, trang bị đầy đủ thiết bị dạy học tối thiểu và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo quy định.
Trong đó, bên cạnh việc dạy học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc và tự chọn theo quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trường học tổ chức các hoạt động củng cố giúp học sinh hoàn thành các nội dung học tập, hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng khiếu của học sinh.
Thời khóa biểu cần được sắp xếp một cách khoa học, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học.
THU TÂM
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/linh-dong-giai-phap-giai-quyet-tinh-trang-thieu-giao-vien-o-cac-truong-hoc-post754027.html